Sẽ kiểm tra 100% xe hơi, điện thoại Trung Quốc nghi có “đường lưỡi bò”
(Dân trí) - Chia sẻ thông tin với phóng viên Dân Trí xung quanh kế hoạch kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm về chủ quyền Việt Nam từ các sản phẩm Trung Quốc, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khẳng định: “Kế hoạch sẽ ban hành văn bản kiểm tra 100% trong tháng 11 này”.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết: Ngoài ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện nghi vấn phải kiểm tra 100%, cơ quan Hải quan đang có kế hoạch yêu cầu kiểm tra 100% các loại điện thoại, điện tử từ Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về thời hạn hải quan ban hành văn bản kiểm tra 100% các loại ô tô, điện thoại… nhập từ Trung Quốc có nghi ngờ cài cắm bản đồ định vị đường lưỡi bò vào phần mềm, Cục trưởng Anh nói: “Trong tháng này (tháng 11- PV) sẽ phải ra văn bản”.
Thông tin nhanh về thời hạn ban hành văn bản chính thức tịch thu 7 chiếc xe hơi Hanteng của Trung Quốc nhập vào Việt Nam có bản đồ định vị vệ tinh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, ông Hùng Anh nói: Đang hoàn tất sự việc, cuối ngày hôm nay 7/11 Cục sẽ yêu cầu đơn vị được Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ và Hải quan Hải Phòng đang xử lý vụ việc tại Hải Phòng báo cáo vụ việc, sẽ sớm có văn bản tịch thu, xử lý đơn vị nhập khẩu.
“Bên Cục chống buôn lậu đang làm, tôi sẽ yêu cầu đơn vị của Cục chống buôn lậu và Hải quan Hải Phòng trong chiều nay có báo cáo cụ thể vụ việc và sẽ có văn bản xử lý”, ông Hùng Anh nói.
Về trường hợp của công ty nhập khẩu các loại xe Zotye và Baic có “đường lưỡi bò” trong phần mềm bản đồ định vị vệ tinh bị người tiêu dùng phát hiện trước đó, Cục trưởng Cục chống buôn lậu thông tin: Sẽ có văn bản riêng, sau khi xử phạt, tịch thu 7 chiếc xe vi phạm nói trên.
“Chưa ban hành văn bản xử phạt vì đang đợi điều tra, rà soát và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan”, ông Anh nói.
Trước đó, ngày 6/11, chia sẻ với báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: Vụ việc 7 xe Trung Quốc nhập vào Việt Nam đang lưu giữ ở Hải Phòng có bản đồ định vị vệ tinh đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc sẽ bị tịch thu, cơ quan hải quan đang làm thủ tục.
Lãnh đạo Tổng cục khẳng định: "Các vụ việc tương tự diễn ra cũng sẽ bị tịch thu xử lý".
Điểm lại diễn biến vụ việc cho thể thấy, ngày 29/10 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Đình Vũ, thuộc Cục Hải quan Hải Phòng (Thành phố Hải Phòng), cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 7 chiếc xe hiệu Hanteng của Trung Quốc cũng có bản đồ định vị vệ tinh đường lưỡi bò xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Được biết, công ty nhập khẩu 7 xe nói trên được cho là của Công ty TNHH ô tô Hoa Mai (địa chỉ: Quốc lộ 10, xã Quốc Tuấn, Huyện An Lão, Hải Phòng).
Cũng trong tháng 10 và tháng 11/2019, tại Triển lãm ô tô Việt Nam diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị nhập hai chiếc xe Volkswagen (của Đức), sản xuất tại Trung Quốc trị giá khoảng 4 tỷ đồng/chiếc, nhập khẩu diện tạm nhập, tái xuất vào Việt Nam để trưng bày đã bị phát hiện cài cắm đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) phi pháp của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Sau khi thống nhất với các cơ quan chức năng, Hải quan Việt Nam ra lệnh tịch thu hai chiếc xe và phạt 100 triệu đồng các đối tượng vi phạm.
Cùng thời điểm, người tiêu dùng phát hiện xe Zotye và Baic của Trung Quốc nhập vào và đang được bày bán, lưu hành ở Việt Nam có đường lưỡi bò phi pháp. Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu điều tra, xử lý vụ việc nói trên.
Với tính chất, mức độ vi phạm nhiều, gia tăng trong thời gian ngắn, hiện dư luận rất quan tâm việc xử lý có tăng nặng hay không bởi trước đó giáo trình cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, phim chiếu rạp tại Việt Nam cũng bị cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp nói trên.
Theo các cơ quan chuyên môn và giới chuyên gia, các sản phẩm điện tử sử dụng phần mềm Trung Quốc nguy cơ cao có ứng dụng các bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Các loại xe hơi của Trung Quốc đang sử dụng hệ điều hành riêng, không phải hệ thống GPS và Google map của Android có nguy cơ cao bị đối tác phát triển phần mềm cài cắm tuyên truyền chủ quyền phi pháp và phía doanh nghiệp Việt Nam nếu không kiểm tra kỹ, dễ vi phạm.
Ngoài ra, diện nghi vấn còn có một số ứng dụng giải trí như game, trò chơi điện tử giả lập chiến tranh, phần mềm học tập có xuất xứ từ Trung Quốc cũng phải kiểm tra vì không nằm ngoài nguy cơ bị cài cắm bản đồ phi pháp.
Nguyễn Tuyền