Sẽ đồng loạt giảm giá cước vận tải
(Dân trí) - “Điều chỉnh hạ giá cước là trách nhiệm xã hội, là uy tín kinh doanh. Chúng tôi đã khuyến cáo các hãng vận tải mau chóng giảm giá và hy vọng sang tuần tới sẽ giảm” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: điều chỉnh hạ giá xuống trong thời điểm này là điều tất yếu, nó vừa là trách nhiệm xã hội, vừa là uy tín kinh doanh. Trong cơ chế thị trường, nếu không giảm thì mất thị phần.
Theo ông Hùng, trong 3 tháng vừa qua xăng dầu giảm giá 5 lần, nhưng những lần trước đây quá nhỏ giọt (giảm mỗi lần 500 đồng - PV) nên không đủ sức để kéo giá xuống.
Nhưng lần giảm vào ngày 8/11 vừa qua đã đưa giá xăng dầu về thời điểm trước ngày 21/7. Điều này cũng buộc các doanh nghiệp vận tải ô tô phải tính toán để giảm giá nhanh.
"Từ đợt xăng giảm giá lần thứ tư, Hiệp hội đã có văn bản đề nghị các hãng vận tải giảm giá, đưa giá cước trở về mức trước 21/7/2008. Hàng chục đơn vị vận tải các tỉnh phía nam chạy các tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, Vũng Tàu đã giảm giá từ 5.000 - 20.000 đồng.
Hôm nay các hãng vận tải lớn trong cả nước đã phải ngồi lại, tính toán tới việc điểu chỉnh hạ giá cước. Cú hích giảm giá xăng dầu buộc các hãng đã giảm thì giảm thêm, các hãng chưa giảm thì buộc phải giảm", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định.
Trước câu hỏi đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô đánh giá mức giảm cước cụ thể trong đợt giảm giá xăng dầu lần này, ông Hùng nói: “Chưa thể nói là giảm được bao nhiêu % vì giá cước, mức chi phí giữa các hãng là không đồng đều. Tuy nhiên, Hiệp hội đề nghị nên trở về giá trước 21/7”.
Cũng đồng nhất với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện các hãng vận tải lớn tại phía Bắc cũng khẳng định sẽ giảm cước. Tuy nhiên, mức giảm như thế nào lại cần phải cân nhắc.
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Gốc bến xe khách phía Nam, đến hết buổi chiều ngày 11/11, mới có hãng vận tải Tân Đạt và Nam Định đã chính thức giảm 10% giá cước.
Theo đó, cước vận tải xe khách Hà Nội - TPHCM từ 560.000 còn 510.000 đồng/hành khách. “Hiện tuyến Hà Nội - TPHCM có tới 5 hãng cùng khai thác, chuyện giảm giá cước là điều đương nhiên”, ông Thành khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi vào chiều nay, ông Phan Hữu Mân, Chủ nhiệm HTX Bình Minh - đơn vị có hàng chục đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Vinh cho biết: thời điểm xăng dầu tăng giá, các hãng khác vận tải lớn có đề nghị chúng tôi cùng tăng giá nhưng chúng tôi vẫn giữ giá cũ ổn định từ tháng 12/2007 đến nay.
Đợt giảm giá ngày 8/8, chúng tôi vẫn giữ mức giá tuyến Vinh - Hà Nội là 90.000/vé, Vinh - Sài Gòn giá 360.000/vé, Vinh - Huế giá 110.000/vé.
Tuy nhiên, nếu các hãng xe khác tiến hành giảm thấp hơn mức giá hiện hành của Bình Minh, chúng tôi sẽ tính toán tất cả các loại chi phí hợp lý, đầu ra đầu vào để cân đối.
Trong khi đó, theo thông báo mới nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: do giá dầu Diesel trên thị trường giảm giá, từ 0h ngày 15/11, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục giảm thêm 3% mức phụ thu tăng nhiên liệu đối với vận chuyển hàng hóa đường sắt.
Về cước vận tải taxi, ông Đỗ Quốc Bình chủ tịch Hiệp hội taxi cho biết: “Chúng tôi sẽ có cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 12/11 để bàn về giá cước. Vừa qua, giá cước taxi tăng 15%, từ 16.000 lên 19.500 tăng 15%. Nay khi giá nhiên liệu đã giảm về mức tháng 7/2008, các doanh nghiệp taxi sẽ giảm, nhưng giảm đến mức bao nhiêu thì phải cân đối lại”.
Được biết hãng taxi Mai Linh đã có chủ trương giảm giá trong tuần này, dự kiến mức giảm của hãng sẽ là 500 đồng/km, xuống còn 10.500 đồng/km; đồng thời Mai Linh cũng giảm giá cước mở cửa từ 15.000 đồng xuống 12.000 đồng. Hiện họ đang tiến hành thủ tục kiểm định đồng hồ tính cước, xe nào kiểm định xong sẽ chạy theo giá mới đã giảm.
Trước đó, một số hãng taxi khác cũng đã đăng ký giảm giá từ 500 - 1.000 đồng/km. Dự kiến từ tuần này đến tuần sau các xe taxi sẽ hoàn tất việc kiểm định, chỉnh đồng hồ giá cước và chạy theo giá mới.
Vận tải TPHCM bắt đầu giảm cước Hơn 20 doanh nghiệp tại Bến xe Miền Đông vừa thông báo giảm giá vé xe khách như: Phi Hiệp, Kumhosamco, Phương Trang, Cúc Tư, Thuận Hưng, Thành Đạt, Minh Dũng, Tâm Tân Đạt… với giá giảm phổ biến từ 7 - 15%. Tại Bến xe Miền Tây, từ đầu tháng cũng đã có một số doanh nghiệp giảm giá cước nhưng chỉ dao động ở mức 5%, nhiều doanh nghiệp giảm giá cước bằng hình thức khuyến mãi giá vé, dịch vụ thay vì giảm giá trực tiếp trên vé. Còn tại Bến xe An Sương, xe khách chủ yếu chạy các tuyến đướng ngắn đi Tây Ninh, Long An… giá vé phổ biến ở mức dưới 50.000 đồng nên có giảm cũng không bao nhiêu, cho nên các doanh nghiệp ở đây vẫn trù trừ chưa tính. Mức giảm thấp nhất có lẽ là ở các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, dự kiến mức giảm tiếp theo chỉ là từ 1,5 - 2%. Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM thì mức giảm đợt này của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa ít là do các doanh nghiệp đã liên tục giảm trước đây khi xăng dầu giảm lắt nhắt. Tùng Nguyên |
Phúc Hưng