Sẽ có “thuốc đặc trị” nạn chuyển giá

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Chính phủ đang thực hiện thí điểm APA đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm.

Với chính sách trải thảm đỏ của nước chủ nhà, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ăn nên làm ra ở Việt Nam. Nhưng bên cạnh những DN sản xuất, kinh doanh đàng hoàng, thực tế cũng đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi, gian lận thuế, đặc biệt là tình trạng chuyển giá.
 
50% DN FDI kê khai lỗ!

 

50% DN FDI kê khai lỗ!

 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện tượng DN FDI kê khai lỗ đang khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ liên tục 3 năm. Đơn cử như năm 2010, tại địa phương thu hút FDI khá tốt như tỉnh Bình Dương có tới 754 trong tổng số 1.490 DN FDI kê khai lỗ, chiếm 50,6%. Trong số này, có tới 200 DN lỗ quá số vốn chủ sở hữu. Nhiều DN, sau khi bị cơ quan thuế “sờ gáy” vì báo lỗ liên tục đã bất ngờ chuyển sang hạch toán lãi hoặc giảm lỗ. Tình trạng này phổ biến ở các DN cà phê của tỉnh Lâm Đồng...

 

Có một nghịch lý là mặc dù làm ăn thua lỗ trong thời gian dài nhưng nhiều DN vẫn không ngừng mở rộng đầu tư. Điển hình như trường hợp Công ty Nestlé Việt Nam. Thông tin từ báo cáo của Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, từ năm 1995 đến 2012, Nestlé Việt Nam thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu. Tuy nhiên, năm ngoái, Nestlé vẫn rót 230 triệu Franc Thụy Sĩ và mới đây nhất, ngày 9/7/2013, nhà máy mới tại KCN Amata (Đồng Nai) vừa được khánh thành, nâng tổng vốn đầu tư của công ty Nestlé tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD...

 

Bộ Tài chính cũng cảnh báo từ năm 2006 đến nay, hiện tượng chuyển giá của các DN FDI đã trở nên tinh vi hơn. Các hành vi chuyển giá không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà còn bao gồm cả chiều ngược lại.

 

Việc chuyển giá được thực hiện qua hoạt động giao dịch liên kết, điển hình như nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị công nghệ; bán hàng hóa, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Nhiều DN còn dùng chiêu định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực... Tính riêng năm 2011, ngành thuế đã khoanh vùng 921 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, khai lỗ để thanh, kiểm tra. Kết quả là các DN phải nhận giảm lỗ 6.617 tỉ đồng và nộp phạt, truy thu thuế 1.669 tỉ đồng.

 

“Thuốc đặc trị” chống chuyển giá!

 

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được kỳ vọng là một trong những công cụ ngăn chặn thủ đoạn khai gian giá tính thuế để trốn thuế. Văn bản thực hiện phương pháp này đang được gấp rút xây dựng với quyết tâm chống chuyển giá gây thất thu ngân sách nhà nước.

 

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Chính phủ đang thực hiện thí điểm APA đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm. Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này mới ở giai đoạn thí điểm, chưa có thỏa thuận ký kết nên chưa ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế.

 

Để thúc đẩy việc áp dụng phương pháp này, Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc áp dụng APA trong quản lý thuế. Theo đó, APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế (là đối tượng áp dụng của APA) hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế là đối tác ký kết hiệp định thuế và người nộp thuế cùng hợp tác trao đổi, đàm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên kết trên cơ sở áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập theo giá thị trường khách quan.

 

APA có hai hình thức là APA đơn phương và APA song phương hoặc APA đa phương. Thông qua quá trình tham vấn, người nộp thuế phải cung cấp, giải trình đầy đủ các thông tin, dữ liệu và các bằng chứng hỗ trợ để Tổng cục Thuế có cơ sở đưa ra các phản hồi, đánh giá, nhận xét về phương pháp xác định giá thị trường được đề xuất; quyết định về việc chấp thuận hoặc từ chối việc người nộp hồ sơ đề nghị APA chính thức...

 

APA có hiệu lực trong thời gian tối đa 5 năm. Thời điểm bắt đầu hiệu lực không trước ngày người nộp thuế nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA. Việc sửa đổi APA được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế hoặc cơ quan thuế. Đặc biệt, sau khi thanh tra, cơ quan thuế phát hiện ra giá thoả thuận không theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền thu hồi tố - nghĩa là sẽ tiến hành truy thu thuế 10 năm trở về trước (tính từ thời điểm tiến hành thanh tra) và tiến hành xử lý cán bộ thuế cố tình vi phạm.

 

Theo Mai Hoa

Pháp Luật VN