1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làm gì để quản lý doanh nghiệp chuyển giá ở Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp FDI đang dính “nghi án” lách luật và trốn thuế. Cơ quan chức năng cho biết đang trình Chính phủ cơ chế giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các DN này từ Trung ương đến địa phương.

Coca-Cola Việt Nam đang phải làm việc với cơ quan thuế trước nghi ngờ chuyển giá
Coca-Cola Việt Nam đang phải làm việc với cơ quan thuế trước nghi ngờ chuyển giá
 
Theo thống kê, từ năm 1987 khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, Việt Nam đã thu hút được hơn 14.100 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 206,5 tỷ USD, trong đó hơn 96,6 tỷ USD đã được giải ngân. Năm 2012, khu vực FDI đã nộp 3,76 tỷ USD tiền thuế vào ngân sách nhà nước, chiếm 18,7% tổng thu ngân sách nội địa.

 

Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp FDI hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận xung quanh vấn đề thuế và chuyển giá. Nhiều doanh nghiệp FDI đang dính “nghi án” lách luật và trốn thuế. Cơ quan chức năng cho biết đang trình Chính phủ cơ chế giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các DN này từ Trung ương đến địa phương.

 

 Dù hiện chưa có kết quả thanh tra chính thức của các cơ quan chức năng, nhưng những doanh nghiệp FDI này đã bị cho rằng đang “lách luật” và “trốn thuế”.

 

Điều này vô hình trung đã tạo ra tâm lý thiếu thiện cảm với các doanh nghiệp FDI, đồng thời gây lo ngại và bất an trong cộng đồng doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc đang nghiên cứu tham gia thị trường Việt Nam.

 

Chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp FDI đang gặp phải hiện nay xung quanh vấn đề chuyển giá,theo BowerGroupAsia Inc. (BGA) - một công ty tư vấn chính sách đầu tư và là thành viện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội - cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là tỷ lệ lạm phát tăng trung bình 12%/năm và giá trị đồng nội tệ giảm trung bình 20-25%/năm, các nhà đầu tư rất khó lường trước những thay đổi đáng kể đối với chi phí đầu tư và sản xuất tại thị trường này. Ngoài ra, mức lương tối thiểu tăng 16,8%/năm trong 5 năm qua, cùng với lãi suất ngân hàng có lúc tăng đến 21%/năm, đã làm tăng đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Những yếu tố này đã làm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn trong việc đạt mục tiêu kinh doanh có lãi”.

 

Ông Nitin Jain, Giám đốc dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young tại Việt Nam nhận định- Việc kinh doanh thua lỗ không có nghĩa là doanh nghiệp đang thực hiện hành vi chuyển giá. Để xác định được những dấu hiệu chuyển giá đòi hỏi có sự phân tích và đánh giá đầy đủ về thực tế khách quan, tình hình hoạt động của công ty và các giao dịch công ty thực hiện.

 

Các yếu tố khách quan ảnh hưởng tới tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp FDI có thể kể tới như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay dẫn tới suy giảm về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm-dịch vụ, năng lực và thị phần của doanh nghiệp bị thu nhỏ…

 

Về vấn đề này, đại diện một DN FDI đang đối mặt với nghi án chuyển giá nói rằng: “Chúng tôi đang đứng trước một sự thử thách lớn của dư luận khi chỉ trong một thời gian ngắn, vị trí của chúng tôi từ một nhà đầu tư nước ngoài lớn trở thành một doanh nghiệp bi quy kết là trốn thuế. Một số thông tin cho rằng giá hương liệu trong sản phẩm chiếm từ 60% đến 80% chi phí sản xuất và coi đây là hành vi chuyển giá. Thực tế thì hương liệu chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm, trong đó giá thành những nguyên liệu mua trong nước chiếm tỉ trọng cao nhất bao gồm bao bì và nguyên liệu đường, sau đó mới đến hương liệu. Chúng tôi đã chủ động làm việc với Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này và đại diện lãnh đạo Cục cũng đồng ý rằng con số 60%-80% nêu trên là không có cơ sở”.

 

“Trong tháng 1 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư FDI đến năm 2020 trình lên Chính phủ. Dự thảo Nghị quyết này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan liên quan cũng như đề ra cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp phép từ Trung ương đến địa phương để hoạt động quản lý đầu tư FDI đạt hiệu quả, góp phần khơi dậy nguồn lực đầu tư và phương thức đầu tư mới có sức lan tỏa rất cao này.”- ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết.

 

Theo Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam, một trong những công cụ mà Việt Nam có thể áp dụng để quản lý tốt vấn đề chuyển giá và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp chính là việc các cơ quan thuế cần áp dụng Cơ chế Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong quy định hướng dẫn việc xác định và quản lý chuyển giá tại Việt Nam. APA hiện đang được áp dụng rộng rãi tại Châu Âu và nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia...

 

Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua - bán hàng hoá, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế có thể phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.

 

“Để quản lý tốt vấn đề chuyển giá đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể hơn nữa nhằm thực thi APA trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng như người dân cũng cần có cách nhìn nhận đúng đắn và khách quan về vấn đề này để tránh gây ra những tổn hại đáng tiếc, ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam”- Ông Alex Legendre, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Canada tại Việt Nam, nhận định.

 

P.Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm