Sẽ cho hàng trăm sinh viên xuất ngoại học về điện hạt nhân
(Dân trí) - Để chuẩn bị cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoạt động vào khoảng năm 2020, hiện có hơn 200 sinh viên đang học chuyên về nhà máy điện hạt nhân ở Nga và sắp tới sẽ cử đi Nhật Bản, Nga và các nước hàng trăm sinh viên khác.
Từ ngày 1/12/2013, Thông tư Quy định nội dung, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân do Bộ Công thương ban hành có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số chuyên gia về điện hạt nhân vẫn bảo lưu quan điểm, cho rằng “Việt Nam chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, đồng thời đặt ra nhiều giả thiết về các sự cố khi nhà máy điện hạt nhân vận hành.
Đối thoại tại chương trình Người dân và Chính phủ, ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này:
Dự kiến, dòng điện hạt nhân đầu tiên sẽ được phát một cách an toàn vào khoảng cuối năm 2022 tại Việt Nam.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Kỳ vọng nâng room khối ngoại tại một vài doanh nghiệp trong vài ngày tới |
Thưa ông, ông có thể cho biết về vai trò của năng lượng hạt nhân trong điện năng và liệu rằng, năng lượng hạt nhân có thể thay thế được các nguồn năng lượng hay không?
Năng lượng hạt nhân là một phát hiện mới và quan trọng của loài người. Chúng tôi không dám nói năng lượng hạt nhân có thể thay thế được các nguồn khác nhưng khẳng định vai trò đóng góp quan trọng của năng lượng hạt nhân nói chung và điện hạt nhân nói riêng trong phát triển xã hội.
Theo đánh giá trong nhiều chục năm nay, điện hạt nhân đóng góp khoảng 14% tổng sản lượng điện của thế giới, bất chấp trong quá trình phát triển có những thời kỳ điện hạt nhân chững lại. Tất nhiên cũng có thời kỳ phát triển mạnh mẽ, chẳng hạn những năm 70’ do khủng hoảng dầu mỏ.
Hiện nay, nhiều nước đang xem xét và có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới để đảm bảo an ninh năng lượng.
Vai trò của các nguồn năng lượng khác cũng hết sức quan trọng. Trong quá trình phát triển của loài người để đạt được trình độ như ngày hôm nay, đã sử dụng rất nhiều các năng lượng hóa thạch như than, dầu khí… và nguồn năng lượng thủy điện. Vài thập niên gần đây có xu hướng sử dụng các năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, năng lượng gió - ở Việt Nam cũng đã có những dự án ban đầu.
Tuy nhiên, xem xét toàn diện các nguồn năng lượng, cũng thấy rằng rất hạn chế, do đó, các nước trên thế giới đã sử dụng điện hạt nhân và tiếp tục có những kế hoạch phát triển hạt nhân, đặc biệt là ở một số nước đang phát triển.
Riêng ở Việt Nam, sau khi xem xét tất cả các nguồn năng lượng hiện nay cũng như trong tương lai, năng lượng mà chúng ta có như than, dầu khí, hay thủy điện cũng đã sắp đến giai đoạn tối đa khả năng khai thác. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao mức sống của người dân như các nước thì đương nhiên phải cần thêm điện. Chính vì thế, trong quy hoạch phát triển điện tầm nhìn 2030, Chính phủ đã đưa điện hạt nhân vào với trọng số đáng kể khoảng gần 10% tổng điện năng. Trong tương lai, giai đoạn đến 2050 có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Kể từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhận Fukushima số 1 ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, nhiều nước đã thay đổi chiến lược về phát triển điện hạt nhân, trong đó một số nước đã tính toán dừng phát triển điện hạt nhân. Vậy định hướng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam như thế nào thưa ông?
Trước và sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, tổng số lò đang vận hành và phát điện hạt nhân trên thế giới vẫn cơ bản không thay đổi.
Lý do là một số nước có xem xét lại chương trình điện hạt nhân, đặc biệt là những nước chưa quyết định, một số nước đã có điện hạt nhân rồi thì xem xét trong tương lai không xây thêm (trong đó có Đức).
Còn các quốc gia đã quyết định lựa chọn điện hạt nhân thì vẫn tiếp tục chương trình của mình. Ngày 14/3/2011, ngay 3 ngày sau sự cố Fukushima thì Tiểu vương quốc Ả Rập đã khởi công dự án điện hạt nhân đầu tiên và những nước như Bangladesh, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordani và Việt Nam đã quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân và có sự chuẩn bị tích cực.
Đa số các nước đã có điện hạt nhân vẫn tiếp tục. Chẳng hạn Mỹ đã bắt đầu xây nhà máy điện hạt nhân sau nhiều năm không xây dựng vì các sự cố. Điều này phản ánh một xu hướng chung: vai trò của điện hạt nhân vẫn có vị trí, chỗ đứng trong tương lai.
Theo dự báo, tốc độ phát triển trong giai đoạn tới tăng tưởng đối đáng kể, đặc biệt ở những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia phát triển khác.
Thưa ông, ở Việt Nam hiện nay tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận như thế nào?
Cho đến ngày hôm nay, với dự án Ninh Thuận 2, đối tác và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành báo cáo MS và các hồ sơ chuẩn bị cho phê duyệt địa điểm. Dự án Ninh Thuận 1 do đối tác Nga và EVN đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ trong năm nay.
Các mảng công việc khác chuẩn bị cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã được tích cực chuẩn bị, khối lượng công việc lớn đã được làm kể từ sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương dự án Ninh Thuận vào ngày 25/11/2009.
Các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng đã vào cuộc để chuẩn bị hạ tầng cơ sở cần thiết. Gần đây đoàn khảo sát đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cũng khẳng định Việt Nam đang trong giai đoạn 2 để chuẩn bị trước khi ký được hợp đồng xây dựng với đối tác. Công tác chuẩn bị đặt ra hết sức cấp bách để đảm bảo được những yêu cầu theo hướng dẫn của cơ quan nguyên tử quốc tế. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo rất tích cực và quyết liệt cho công tác chuẩn bị này.
Tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay được đánh giá vẫn đang chậm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này hay không?
Chúng tôi quan niệm việc chuẩn bị cho một dự án điện hạt nhân cũng như hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm của các nước thì cần phải rất cẩn thận, đặc biệt là giai đoạn trước xây dựng.
Việt Nam chuẩn bị cho 2 dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 trong bối cảnh của Fukushima, nên yêu cầu an toàn ở phạm vi thế giới cũng như ở Việt Nam được nâng cao, được rà soát cẩn thận. Do đó, công tác đánh giá địa điểm, công tác lựa chọn công nghệ cho điện hạt nhân, chuẩn bị hạ tầng pháp lý, nhân lực…đòi hỏi cao hơn, thời gian vì thế cần nhiều hơn. Sự chậm trong giai đoạn đầu chúng tôi cho là cần thiết để đảm bảo cơ sở tốt hơn cho an toàn và hiệu quả sau này.
Sự cố Fukushima ở Nhật đã gây rúng động thế giới về hiểm họa trong vận hành điện hạt nhân.
Vậy thưa ông, vấn đề an toàn và chống ô nhiễm đã được tính toán, chuẩn bị như thế nào khi vị trí của Ninh Thuận ở trên địa bàn miền Trung vốn hứng chịu rất nhiều thiên tai?
Thế giới hiện nay đang phát triển những thế hệ công nghệ mới và xem xét rất nhiều tác động của tự nhiên hoặc con người có thể gây ra đối với nhà máy điện hạt nhân. Chẳng hạn xác suất máy bay dân dụng có thể đâm vào nhà lò phản ứng, hay sóng thần, động đất, lũ lụt… đều phải tính toán để chịu được.
Ninh Thuận cũng như các địa điểm khác trên thế giới, đương nhiên phải xem xét chiều cao của sóng thần có thể có, mức độ động đất có thể có và những yếu tố tự nhiên hay nhân tạo khác…Tất cả đều được đưa vào xem xét trong hồ sơ khi phê duyệt địa điểm mà hiện nay các cơ quan chức năng đang bắt đầu thẩm định.
Còn vấn đề nhân lực, hiện nay đã chuẩn bị đội ngũ để vận hành nhà máy điện trong tương lai ra sao thưa ông?
Đội ngũ nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm các cơ quan chuẩn bị công tác quản lý, công tác pháp quy về hạt nhân, các cơ quan phục vụ cho quá trình xây dựng, lắp đặt và cơ quan vận hành, bảo dưỡng nhà máy. Nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước pháp quy hạt nhân, các cơ quan nghiên cứu triển khai cũng đã được triển khai từ khá sớm. Tuy nhiên hiện nay đang có những nhu cầu cấp bách để tăng chất lượng và đảm bảo số lượng cơ cấu phù hợp cho các cơ quan này.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nhân lực cho công tác xây dựng lắp đặt, được biết, Bộ Xây dựng đã cử hàng trăm kỹ sư và công nhân sang trực tiếp học tập và làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga và chuẩn bị nguồn lực để kêu gọi sự tham gia vào quá trình xây lắp của Việt Nam trong dự án điện hạt nhân sắp tới.
Có thể khẳng định về kinh nghiệm xây lắp của Việt Nam và đảm bảo chất lượng với những công trình lớn của Lilama, Tổng công ty xây dựng Sông Đà…, tuy nhiên do đây là công trình xây dựng điện hạt nhân nên chất lượng xây dựng và đội ngũ công nhân, quy trình đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải cao hơn nhiều.
Về vận hành bảo dưỡng, hiện nay EVN cũng đã có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở Nga đang có hơn 200 sinh viên đang học chuyên về nhà máy điện hạt nhân và sắp tới sẽ cử đi Nhật Bản, Nga và các nước hàng trăm sinh viên khác nữa. Chúng tôi cho rằng đây là những nguồn lực rất quan trọng vì họ được đào tạo bài bản về nhà máy điện hạt nhân và sau này họ sẽ được thực tập trên các nhà máy và thực tập trên các thiết bị mô phỏng cần thiết.
Chúng tôi tin đến giai đoạn 2020, khi quá trình xây lắp đã đi vào giai đoạn cuối thì họ sẽ sẵn sàng cho công tác tiếp thu và cùng với các chuyên gia nước ngoài vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Dự kiến bao giờ dòng điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ hòa vào lưới điện quốc gia thưa ông?
Trong kế hoạch chung, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào 2014, hoàn thành và phát điện vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị cần phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư cũng như những quy chuẩn, quy định an toàn của quốc tế trong giai đoạn sau Fukushima nên công việc chuẩn bị có chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Chúng tôi hy vọng với sự chuẩn bị tích cực và toàn diện của các cơ quan ban ngành liên quan và sự hỗ trợ của các nước đối tác, dòng điện hạt nhân đầu tiên sẽ được phát một cách an toàn vào khoảng cuối năm 2022.
Bích Diệp ghi