1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sẽ cấp phép thí điểm cho vay ngang hàng

(Dân trí) - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm cho vay ngang hàng (P2P Lending) và dự kiến đưa loại hình kinh doanh này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trả lời câu hỏi về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), tại cuộc họp báo về chính sách tiền tệ ngày 1/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (Nguyễn Thị Hồng) cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh này và dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Do đây là hình thức kinh doanh mới chưa có cơ quan nào quản lí nên Chính phủ đang giao cho NHNN hoàn thành đề án này. "Chúng tôi cũng đã giao cho các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện", bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý. Cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.

Hình thức cho vay này có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia.

Sẽ cấp phép thí điểm cho vay ngang hàng - 1

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng và dự kiến đưa vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chiều 6/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe NHNN báo cáo về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) hiện nay.

Bản chất của P2P Lending là mô hình kinh doanh mới, một loại hình dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người vay kết nối trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.

Hiện nay, P2P Lending đã phát triển ở nhiều dạng thức khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) nên mô hình này xuất hiện cách đây khoảng 2 năm với 40 công ty đang hoạt động theo dạng thức truyền thống nêu trên.

Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Đại diện NHNN cho biết, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Trước đó, trong một thông báo cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Từ thực tế hoạt động, cơ quan điều hành cho rằng mô hình này còn nhiều bất cập, như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, hoặc tình trạng đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.

Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo, nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng cho vay ngang hàng.

An Hạ