SCIC rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư khỏi Gang thép Thái Nguyên

(Dân trí) - SCIC vừa có công văn đề nghị công ty Tisco bổ sung nội dung về việc thông qua phương án rút toàn bộ 1.000 tỷ đồng phần vốn của tổng công ty này khỏi Tisco vào chương trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

1.000 tỷ đồng SCIC đổ vào giải cứu Gang thép Thái Nguyên đang được Tisco gửi ngân hàng lấy lãi
1.000 tỷ đồng SCIC đổ vào "giải cứu" Gang thép Thái Nguyên đang được Tisco gửi ngân hàng lấy lãi

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có công văn gửi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã chứng khoán: TIS) đề nghị Tisco bổ sung nội dung về việc thông qua phương án rút toàn bộ vốn của SCIC (1.000 tỷ đồng) theo phương thức rút vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ vào chương trình đại hội cổ đông thường niên năm 2017. Việc rút vốn được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính.

1.000 tỷ đồng này là giá trị số cổ phiếu riêng lẻ được Tisco phát hành cho SCIC hồi năm 2015 để tăng vốn, thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán của Tisco, khoản tiền này đang được gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàng Mai với lãi suất tiền gửi 5,3 - 5,5%/năm. Việc mang tiền đi gửi ngân hàng được Tisco lý giải, do trong năm 2016 không phát sinh việc thanh toán cho dự án Cải tạo mở rộng giai đoạn 2 nên số vốn trên vẫn chưa được sử dụng để thanh toán cho dự án này.

Sau phát hành, vốn điều lệ của Tisco được tăng lên 2.840 tỷ đồng, do đó, nếu như sắp tới, đại hội đồng cổ đông thường niên Tisco thông qua phương án do SCIC đề xuất thì Tisco sẽ giảm vốn điều lệ về 1.840 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 đang là 1 trong 12 dự án nằm trong diện đầu tư hiệu quả kém phải xử lý thuộc ngành công thương. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách Nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án. Các tập đoàn, tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả.

Mới đây, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, dự án này phải thẩm định giá xong thì mới có thể có phương án chính xác để xử lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trước mắt chủ trương là không để nhà máy phải phá sản.

Khẳng định, quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án này song theo thông tin từ đại diện Bộ Công Thương thì dự án có thể sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.

"Ít nhất đã có 3 doanh nghiệp thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của Tisco. Sắp tới Bộ Công Thương cũng sẽ đấu giá cổ phần Nhà nước góp vào Tisco. Vốn Nhà nước vào Tisco khoảng hơn 1.000 tỷ, giờ thoái số vốn này", ông Hoài cho hay.

Được biết, ngày mai (21/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương.

Bích Diệp