Những nhà máy nghìn tỷ “đắp chiếu”: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Đội vốn, năng lực vận hành yếu kém là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự trì trệ tại dự án xơ sợi ở Đình Vũ và dự án gang thép Thái Nguyên.

Sau phần chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) liên quan đến nhà máy sản xuất sợi polyester ở Đình Vũ, Hải Phòng và dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã công bố khá chi tiết về hai dự án này.

Đây là hai dự án “khủng” nhưng lại trong tình trạng “đắp chiếu” và được coi là lãng phí lớn về đầu tư

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Bế tắc đầu ra, năng lực vận hành hạn chế

Dự án xơ sợi ở Đình Vũ được đầu tư xây dựng ngày 14/3/2014, đã nghiệm thu và hoạt động sơ bộ. Ngày 29/5/2014 vận hành chính thức thương mại và đến hết năm 2014 vận hành đạt 48% công suất, so với kế hoạch là không đạt tiến độ. Năm 2014, dự án này bước đầu xác định lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi nộp ngân sách là 212 tỷ đồng.

Nguyên nhân được Bộ trưởng Hoàng cho biết do các định mức và chi phí vận hành tăng hơn so với tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi. 

Thêm vào đó, đây là dự án có công nghệ rất hiện đại lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam nên năng lực vận hành của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như công nhân còn hạn chế, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm có lúc chưa đạt yêu cầu.

Trong bối cảnh giá cả thế giới vào thời điểm hiện nay, nhất là giá xơ sợi nhân tạo giảm, vì vậy sản phẩm làm ra không cạnh tranh được, giá cao hơn. Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Dệt may sẽ tiêu thụ một số sản phẩm của dự án này.

“Những sản phẩm này đến nay Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn phải nhập từ nước ngoài, vì giá bên ngoài có cạnh tranh hơn, nhưng trước mắt cố gắng tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy, sau này khi mặt bằng giá cân bằng sẽ mua nhiều hơn” – Bộ trưởng chia sẻ về hướng khắc phục.

Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2015, dự án giảm lỗ xuống còn 600 tỷ đồng, sang năm 2016 cố gắng cơ bản cân đối được thu và chi.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Vay vốn Trung Quốc, 8 năm chưa hoàn thành thiết kế!

Về dự án gang thép Thái Nguyên, được đầu tư vào cuối năm 2007, dự án dùng vốn vay của Trung Quốc, do Công ty luyện kim Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Hoàng, trong quá trình triển khai, dự án này gặp một số khó khăn. Sau 8 năm, phần về thiết kế mới đạt được 88,3% khối lượng, phần mua sắm thiết bị đạt được 93,8%. Còn phần xây dựng đã đạt được hơn 1.000 tỷ đồng, phần này hoàn toàn do phía nhà thầu Việt Nam đảm nhận.

Sự chậm trễ của dự án này được Bộ trưởng cho biết do từ giai đoạn 2007 đến 2011 chi phí xây lắp tăng cao vì giá vật tư, nguyên liệu tăng. Bình quân vật liệu xây dựng trong giai đoạn này tăng khoảng 281%. Thứ hai, tỷ giá ngoại tệ thay đổi, từ trước có 15.850 VND/USD tăng lên 21.000 VND/USD.

Thứ ba, các chính sách liên quan về thuế, tiền lương, lãi suất vay của ngân hàng, nhất là trong giai đoạn 2014 trở về trước cũng như độ biến dẫn đến chi phí vốn đầu tư tăng khá nhiều so với tính toán ban đầu.

Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát lại các khoản còn thiếu trong vốn đầu tư và giao cho Tổng công ty Thép Việt Nam trao đổi với ngân hàng VietinBank và SCIC thu xếp cho chủ đầu tư vay một số khoản còn thiếu. Song song với đó là yêu cầu đàm phán lại với công ty gang thép của Trung Quốc.

Kết quả hai bên thống nhất khoảng cuối tháng 11 này sẽ ký Phụ lục sửa đổi hợp đồng liên quan đến tổng thầu EPC và phấn đấu đến cuối tháng 3/2017 đưa toàn bộ các hạng mục của dự án vào chạy thử.

Bích Diệp

Những nhà máy nghìn tỷ “đắp chiếu”: Vì đâu nên nỗi? - 3