1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sau tân Chủ tịch lại thay ngay Tổng Giám đốc: NCB tạo thế "chân kiềng" mới?

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Từ hôm nay (3/8), bà Dương Thị Lệ Hà giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Trước đó ngân hàng này vừa có tân Chủ tịch 8X.

Sau tân Chủ tịch, NCB thay Tổng giám đốc

NCB vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. 

Theo đó, từ ngày hôm nay (3/8), bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc NCB thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Ông Phạm Thế Hiệp vẫn đảm nhận vị trí thành viên HĐQT NCB.

Sau tân Chủ tịch lại thay ngay Tổng Giám đốc: NCB tạo thế chân kiềng mới? - 1

Bà Dương Thị Lệ Hà đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc NCB thay cho ông Phạm Thế Hiệp kể từ ngày 3/8.

Bà Dương Thị Lệ Hà đã có 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tại NCB, trước khi đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc, bà Hà là Phó Tổng Giám đốc thường trực, Trưởng Ban Kiểm soát NCB.

Bà Hà đã từng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và có nhiều năm công tác tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Cùng ngày, HĐQT cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thùy Dương, bà Hoàng Thu Trang làm Phó Tổng Giám đốc.

Như vậy, tính đến ngày hôm nay, Ban Điều hành NCB gồm có: Bà Dương Thị Lệ Hà - quyền Tổng Giám đốc và 5 Phó Tổng Giám đốc gồm: Ông Nguyễn Hồng Long, ông Nguyễn Đình Tuấn, bà Lê Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.

Trước đó, thành viên Ban Điều hành NCB có 5 người, gồm: Ông Phạm Thế Hiệp (Tổng Giám đốc) và các ông/bà Dương Thị Lệ Hà, Nguyễn Hồng Long, Lê Kim Chi, Nguyễn Đình Tuấn.

Thế "chân kiềng" mới?

Như đã đề cập trước đó, cùng ngày bổ nhiệm tân Chủ tịch, NCB đã miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Trần Hải Anh và ông Vũ Mạnh Tiến.

Cụ thể, ngày 29/7, trong họp đại hội cổ đông bất thường, cùng với việc bổ nhiệm tân Chủ tịch thế hệ 8X, NCB đã miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Trần Hải Anh và ông Vũ Mạnh Tiến.

Theo đó, bà Bùi Thị Thanh Hương, sinh năm 1980, giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ ngày 29/7. Bà Hương không phải là gương mặt xa lạ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mà đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tháng 9/2014, bà Bùi Thị Thanh Hương được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tài chính Chiến lược của TPBank.

Sau tân Chủ tịch lại thay ngay Tổng Giám đốc: NCB tạo thế chân kiềng mới? - 2

Bà Bùi Thị Thanh Hương, sinh năm 1980, giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng NCB từ ngày 29/7.

Cùng với bà Hương, ngân hàng cũng bổ nhiệm bà Trương Lệ Hiền, sinh năm 1965, giữ chức thành viên HĐQT. Bà Trương Lệ Hiền nguyên là Trưởng Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại số một Việt Nam - Vietcombank. Bà Hiền có thời gian dài gắn bó với Vietcombank từ vị trí cán bộ tới vị trí lãnh đạo các phòng, ban và chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 11/2020.

Bà Hiền được thừa nhận là người có đóng góp lớn trong việc đưa Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam áp dụng chuẩn mực Basel II.

Như vậy, nhóm cổ đông mới tại NCB hiện có hai thành viên làm đại diện trong HĐQT là bà Hương và bà Hiền.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 29/7, NCB đã miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Trần Hải Anh và ông Vũ Mạnh Tiến. Do đó, nhóm cổ đông cầm quyền ở NCB suốt thập kỷ qua - được biết đến là đại diện của nhóm Gami Group - chỉ còn 2 đại diện trong HĐQT là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Phạm Thế Hiệp.

Thành viên còn lại trong HĐQT của NCB là ông Kido Tamaki - một thành viên HĐQT độc lập.

Với sự thay đổi trên, danh sách thành viên HĐQT NCB gồm 5 người: Bà Bùi Thị Thanh Hương (Chủ tịch), ông Nguyễn Tiến Dũng (Phó Chủ tịch thường trực), bà Trương Lệ Hiền (thành viên HĐQT thường trực), ông Phạm Thế Hiệp (thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) và ông Kido Tamaki (thành viên HĐQT độc lập).

Ngay sau phiên họp ngày 29/7, đến 30/7, ngân hàng này đã công bố báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm cho thấy từ 1/1 đến 30/6, các cuộc họp HĐQT đều có sự tham gia của 4 thành viên là: Ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Vũ Mạnh Tiến, bà Trần Hải Anh và ông Phạm Thế Hiệp.

Cũng theo báo cáo quản trị, nhóm cổ đông cũ gồm ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Phạm Thế Hiệp đang sở hữu tổng cộng 10,8 triệu cổ phiếu NVB, tương ứng khoảng 2,6% vốn điều lệ.

Trong đó, ông Nguyễn Tiến Dũng và người liên quan sở hữu 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1,6% vốn điều lệ của NCB, còn ông Hiệp sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu.

Còn tỷ lệ sở hữu của 2 thành viên mới trong HĐQT NCB gồm tân Chủ tịch 8X Bùi Thị Thanh Hương và tân thành viên HĐQT Trương Lệ Hiền là bao nhiêu vẫn chưa được thể hiện trong báo cáo này.

Tuy nhiên, tại báo cáo, bà Dương Thị Lệ Hà nắm giữ hơn 4,6 triệu cổ phiếu NVB, tương ứng hơn 1,1% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Đình Tuấn nắm giữ 3 triệu cổ phiếu NVB...

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVB của NCB ghi nhận khối lượng lớn được sang tay theo phương thức thỏa thuận. Chỉ trong tháng 7, hơn 117 triệu cổ phần đã được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị hơn 2.300 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch này tương đương với gần 30% vốn cổ phần ngân hàng.

Điển hình như trong ngày phiên 8/7, hơn 41 triệu cổ phiếu NVB được thỏa thuận với giá trị hơn 800 tỷ đồng. Các phiên 7/7, 13/7 ghi nhận hơn 20 triệu đơn vị, 25 triệu đơn vị được thỏa thuận. Phiên 15/7, 23/7 cũng có 11,5-12,7 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức này.

Trong phiên 29/7, khi cổ phiếu NVB tăng trần 10% lên 20.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt gần 13 triệu đơn vị.