Sau nhiều lùm xùm BT, Hà Nội vẫn muốn xây trường cán bộ bằng cách "đổi đất"
(Dân trí) - UBND TP. Hà Nội mới đây đã xin Thủ tướng xem xét, chấp thuận về việc sử dụng cơ sở nhà, đất tại số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, Hà Đông để đối ứng dự án đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BT…
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi các bộ: Tài chính, Bộ Xây dựng, Tài nguyên và môi trường lấy ý kiến xung quanh đề nghị "đổi đất" xây trường đào tạo cán bộ của UBND TP. Hà Nội.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng xem xét, chấp thuận về việc sử dụng cơ sở nhà, đất tại số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, Hà Đông (do Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong quản lý và sử dụng) để đối ứng dự án đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BT.
Theo lãnh đạo UBND Thành phố, trước đây, Trường Chính trị Hà Tây - giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, quy mô khoảng 8.500 học viên/năm. Sau khi hợp nhất địa giới hành chính, UBND Thành phố đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tên dự án là Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
UBND Thành phố cũng đã có văn bản giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá - xã hội Thành phố Hà Nội nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong theo hình thức PPP, hợp đồng BT.
Thông tin dự án như sau: diện tích khu đất khoảng 4,2 ha, quy mô đào tạo 17-180 lớp tương ứng 17.000 - 18.000 học viên. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 751,7 tỷ đồng. Phương án tài chính sơ bộ được đưa ra đó là sử dụng cơ sở nhà, đất tại số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, quận Hà Đông để thanh toán cho dự án BT.
Được biết, Bộ Xây dựng sau đó cũng đã có ý kiến trước đề xuất trên. Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết cơ sở nhà đất số 220 đường Láng, quận Đống Đa và số 16 đường Thanh Bình, quận Hà Đông thuộc đối tượng phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, việc sử dụng các cơ sở nhà đất này để đối ứng cho Dự án đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong ngoài việc tuân thủ các quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - chuyển giao thì còn phải đảm bảo phù hợp với phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu các Nghị định thay thế Nghị định số 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Do đó, trong trường hợp nhu cầu đầu tư xây dựng Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chưa thực sự cấp bách, Bộ Xây dựng đề nghị tạm lùi thời hạn thực hiện dự án cho đến khi các quy định về quản lý, sắp xếp lại và xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và Nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ban hành.
Cách đây không lâu, hồi tháng 7/2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra một loạt các vi phạm trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội.
Tại hội thảo Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện, nhiều bất cập trong việc sử dụng hình thức này cũng được nếu ra. Đáng chú ý, ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước còn cho rằng đây là hình thức rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương...
Nguyễn Khánh