1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sau nghỉ lễ 2/9, giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp?

Ghi Du

(Dân trí) - Giá xăng dầu ngày 5/9 được dự báo tiếp tục tăng theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá mặt hàng nhiên liệu có thể tăng 100-300 đồng/lít.

Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng. Tuy nhiên, ở kỳ điều chỉnh tới, ngày 1/9 trùng thời gian nghỉ lễ. Do vậy, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 5/9.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết thời gian qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Tuy nhiên, mức tăng không quá lớn.

Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày 5/9, xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 100-200 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 200-300 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng 250-350 đồng/lít. Trường hợp dự báo trên là chính xác, giá mặt hàng xăng sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp.

Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể tăng ít hơn.

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 21/8, giá xăng E5 RON 92 tăng 510 đồng/lít, lên 23.330 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 610 đồng/lít, lên 24.600 đồng/lít.

Trước diễn biến giá xăng tăng 5 lần liên tiếp, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Cụ thể, Bộ này yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong trường hợp cần thiết thì Vụ này chủ trì, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị có liên quan, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước…

Vụ này cũng phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định; phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Một số đơn vị khác như Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và Than, Tổng cục Quản lý thị trường cũng được giao nhiệm vụ...