1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sau chuỗi ngày tăng sốc liên tiếp, thép vào đợt giảm giá, hạ nhiệt

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Sau thời gian tăng chóng mặt, nhiều doanh nghiệp thép nội địa đã có thông báo tới khách hàng việc giảm giá thép.

Sau chuỗi ngày tăng sốc liên tiếp, thép vào đợt giảm giá, hạ nhiệt - 1

Giá thép hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp thông báo giảm giá (Ảnh: N.M).

Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã giảm giá thép xây dựng. Cụ thể, thép cuộn giảm 800 đồng/kg, thép cây giảm khoảng 500 đồng/kg.

Công ty thép Việt Đức cũng vừa có thông báo tới khách hàng về việc giảm giá một số mặt hàng. Theo đó, công ty này điều chỉnh giảm thép cây các chủng loại 500 đồng/kg, thép cuộn các chủng loại giảm 800 đồng/kg.

Phạm vi điều chỉnh mức giảm giá nêu trên được doanh nghiệp này áp dụng tại thị trường miền Bắc và miền Trung. Theo lý giải của đại diện thép Việt Đức, giá phôi thép và nguyên vật liệu giảm nên có sự điều chỉnh này.

Công ty gang thép Thái Nguyên cũng đã có thông báo về giá bán áp dụng từ ngày 8/6, theo đó giá thép các loại dao động ở mức 17.200 - 17.550 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức giá tuần trước.

Việc giá thép tăng mạnh thời gian qua đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, trong đó ảnh hưởng rất mạnh đến ngành xây dựng… Vấn đề về giá thép tăng cao, tăng đột biến vừa qua cũng đã làm "nóng" tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 3/6.

Tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có những lý giải về tình hình và việc không đề xuất lập quỹ bình ổn.

Theo ông Hải, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về tình hình cung - cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình cung - cầu, giá thép năm nay.

Trong bối cảnh giá thép tăng sốc xuất hiện ý kiến về việc đề xuất lập quỹ bình ổn. Tuy nhiên theo ông Hải, ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung - cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới, đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập quỹ bình ổn giá thép.

"Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế" - ông Hải cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đang theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.