1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá thép tăng cao đột biến, vì sao không đề xuất lập quỹ bình ổn?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Giá nguyên liệu sản xuất đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, tuy nhiên Bộ Công Thương không đề xuất lập quỹ bình ổn.

Không đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép

Vấn đề về giá thép tăng cao đã được nêu ra trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (3/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có những lý giải về tình hình và việc không đề xuất lập quỹ bình ổn.

Theo ông Hải, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về tình hình cung - cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình cung - cầu, giá thép năm nay. 

Ông Hải thông tin, ngày 8/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp. Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ.

Giá thép tăng cao đột biến, vì sao không đề xuất lập quỹ bình ổn? - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung - cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới, đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập quỹ bình ổn giá thép.

"Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế" - ông Hải cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đang theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

"Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động" - ông Hải cho biết thêm.

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu thông tin về vấn đề sửa đổi biểu giá điện.

Theo ông Hải, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 trên.

"Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung. Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường" - ông Hải cho biết.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản  xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Hải thông tin để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

"Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, vì vậy Bộ Công Thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - ông Hải cho hay.