Sau các vụ thổi giá cao chót vót, vì sao giao dịch lan đột biến im ắng lạ thường?

Sau những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn ở những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ, thị trường trở lên im ắng lạ thường.

Trong tháng 9/2020, không còn thấy thông tin về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên các trang mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông đại chúng.

Điều này được cho là bất thường, trái ngược với khoảng thời gian giữa năm 2020 khi mà hàng loạt nước những cuộc giao dịch lan đột biến có giá trị tiền tỷ diễn ra ở khắp cả nước như TP. Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Ninh.... Thậm chí, những cuộc giao dịch lan đột biến thời điểm đó còn được tung hô, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Ngày 21/9/2020, nhận định về sự bất thường trên, ông Nguyễn Đức Lâm - một nghệ nhân chơi cây có tiếng ở khu vực phía Bắc cho rằng, thị trường nào cũng có lúc phát triển đến mức cao trào rồi đi xuống. Đặc biệt là đối với những cây lan đột biến, khi mà nhiều cơ quan công an, chuyên gia lên tiếng cảnh báo, nhiều người cũng đã nhận sự "vô lý" trong những cuộc giao dịch này nên có phần đề phòng, thậm chí là "quay lưng" lại với cây lan.

Sau các vụ thổi giá cao chót vót, vì sao giao dịch lan đột biến im ắng lạ thường? - 1

Không còn thấy những cuộc giao dịch lan đột biến được tung hê rầm rộ trong thời gian qua.

"Nhiều năm về trước, trong giới cây cảnh cũng đã đặt ra những câu hỏi, lan đột biến có gì mà một đốt ngắn bằng ngón tay cũng có giá tới vài tỷ đồng? Không những thế, loài cây này dễ nhân giống, sinh trưởng nhanh, hoa cũng nở theo khoảng thời gian nhất định trong năm...

Câu hỏi đặt ra là vậy nhưng không ai dám nói lên sự thực bởi chính nhiều nghệ nhân cây cảnh hoặc bạn bè của họ đã đầu tư vào lan đột biến, coi loại cây này là thứ sinh ra lợi nhuận. Chỉ đến khi có sự lên tiếng cảnh báo của cơ quan công an ở một loạt tỉnh thành về việc lan đột biến tiềm ẩn nguy cơ thổi giá, phá loại nền kinh tế, gây rủi ro cho nhiều người thì mới có một làn sóng lên tiếng mạnh mẽ.

Kèm với đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều vụ khởi tố, bắt giam các đối tượng lừa đảo bán lan đột biến giả, cơ quan thuế tiến hành siết chặt quản lý, giám sát các cuộc giao dịch tại các nhà vườn để truy thu thuế... thì ắt hẳn thị trường lan đột biến không còn bị thả nổi như thời gian trước. Vì thế, thị trường lan đột biến trầm lắng là đương nhiên" - ông Lâm cho biết.

Theo ông Lâm, nếu như chỉ khoảng vài ba tháng trước khi mở mạng xã hội ra là thấy loạt thông tin về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ hay những video quảng cáo bán lan đột biến thì bây giờ lại không còn hiện tượng này nữa.

"Điều đó là do cơ quan chức năng và người dân nhận ra được mối nguy hại từ lan đột biến. Nhiều người không còn mù quáng bỏ tiền ra mua lan đột biến theo phong trào hay ôm mộng làm giàu từ loại cây này nữa" - ông Lâm bày tỏ.

Nghệ nhân cây cảnh Phan Quốc Dũng (ngụ huyện Văn Giang, Hưng Yên) cũng cho rằng, sự trầm lắng của thị trường lan đột biến trong vòng gần 2 tháng qua cho thấy khoảng thời gian trước đây loại lan này đã bị thổi giá, đẩy lên quá cao so với giá trị thực.

Những cuộc giao dịch lan đột biến nếu có diễn ra thì cũng chỉ là "giao dịch ngầm" với nhau vì sợ sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế trên địa bàn.

"Nếu một cây thực sự hiếm và quý thì sẽ luôn giữ nguyên giá trị của mình. Giá trị của cây ở đây được xác định dựa trên quan điểm của các tổ chức chuyên môn về sinh vật cảnh chứ không phải là của riêng cá nhân nào.

Còn với lan đột biến thì hiện nay vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, kể cả những cây lan từng được xác nhận bán với giá hàng tỷ đồng thì đa phần giới chơi cây đều cho rằng nó không xứng đáng" - ông Dũng cho hay.

Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực cây cảnh, ông Dũng cho biết, để tạo ra một cây cảnh có giá trị thực sự thì chủ cây đó có khi mất hàng chục năm, thậm chí là cả đời người. Cây đó còn phải liên tục chỉnh sửa, hoàn thiện từng chút một.

"Với cây lan đột biến, không phải là không có công sức chăm sóc, hoàn thiện của con người bỏ vào đó. Nhưng để so với những cây cảnh khác như sanh, sung, si, đa, đề thì chẳng thấm tháp vào đâu" - ông Dũng khẳng định.