Sau 6 "ông lớn" Bộ Công Thương, đến lượt SCIC được chuyển về "Siêu ủy ban"

(Dân trí) - Sáng nay (12/11), Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban).

SCIC là đơn vị tiếp theo được bàn giao về siêu uỷ ban sau 6 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương.
SCIC là đơn vị tiếp theo được bàn giao về "siêu uỷ ban" sau 6 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, vốn điều lệ của SCIC được phê duyệt theo Nghị định của Chính phủ là 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đã góp tính đến ngày 30/6/2018 là hơn 22.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của SCIC đến cuối quý II/2018 đạt hơn 41.700 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 10/11, Bộ Công Thương cũng bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về Siêu ủy ban. 6 "ông lớn" này có số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, tương đương một nửa vốn Nhà nước mà siêu Uỷ ban sẽ nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.

Liên quan tới việc chuyển một "siêu uỷ ban" như SCIC về "siêu uỷ ban" là Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại chồng chéo "vô hình chung tạo nên một Nhà nước trong một Nhà nước".

Theo ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề đặt ra là cần làm thế nào để phát huy vai trò của SCIC mà vẫn đảm bảo tính thống nhất của Ủy ban. Công cụ là SCIC cần bố trí ra sao vì theo Dự thảo Nghị định vẫn giao cho SCIC đại diện quyền chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển giao từ các Bộ ngành.

"Như vậy Ủy ban là đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban, trong Ủy ban lại có một đại diện chủ sở hữu khác đại diện cho doanh nghiệp. Vô hình chung tạo nên một Nhà nước trong một Nhà nước", ông Hồ nhận định.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng, cần phải đặt ra trách nhiệm của SCIC với công việc chung thế nào khi chịu trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu cho một số lượng doanh nghiệp chuyển từ các Bộ ngành. Vai trò của Ủy ban đối với các doanh nghiệp SCIC làm đại diện chủ sở hữu thế nào.

Đồng tình với quan điểm của ông Hồ, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, SCIC về Ủy ban là đúng đắn, nhưng làm sao để phát huy được vai trò SCIC mà vẫn bảo đảm tính thống nhất của ủy ban?

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tại dự thảo về hoạt động của "siêu" ủy ban, vẫn giao SCIC đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp chuyển giao từ các bộ, ngành. Tuy nhiên "siêu" ủy ban cũng đại diện các doanh nghiệp chủ sở hữu. Điều này dẫn đến sự chồng chéo là trong ủy ban có đại diện chủ sở hữu khác.

"Như vậy, tôi băn khoăn liệu chúng ta có tạo nên "nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn"? Trách nhiệm SCIC với việc chung thế nào? Vai trò ủy ban với các doanh nghiệp mà SCIC đại diện chủ sở hữu thế nào? Đây là vấn đề cần rõ ràng minh bạch để Ủy ban hoạt động tốt, SCIC phát huy tác dụng hiệu quả", ông Hùng nói.

​Thông tin về mối quan hệ giữa SCIC và Siêu Ủy ban, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách của các Bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ các khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban “có thể duy nhất là người thực hiện”.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, ở đây SCIC có trách nhiệm là một trong những doanh nghiệp đưa “vốn mồi” và quản trị các dự án này thay cho Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Ủy ban về vấn đề đầu tư vốn. Mặt khác, SCIC là đơn vị giúp cho Ủy ban, Chính phủ tiếp nhận những doanh nghiệp cổ phần hóa nhỏ, DNNN không cần nắm giữ và chịu trách nhiệm trước Ủy ban.

Phương Dung

Sau 6 "ông lớn" Bộ Công Thương, đến lượt SCIC được chuyển về "Siêu ủy ban" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm