Sau 5 năm phát hiện sai phạm, Tập đoàn Hóa Chất đã khắc phục hậu quả thế nào?
(Dân trí) - Ít nhất 10 nội dung được Thanh tra Chính phủ chỉ ra những bất cập sai phạm trong kết luận công bố năm 2013 và yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) triển khai thực hiện. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, sau 5 năm, Tập đoàn này đã khắc phục hậu quả theo kết luận của cơ quan thanh tra đến đâu?
Thanh tra Chính phủ tiếp tục làm việc với Vinachem
Nguồn tin của Dân trí cho biết Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận của thanh tra của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tổ kiểm tra giám sát của Thanh tra Chính phủ gồm 3 thành viên sẽ tiến hành làm việc với Vinachem trong vòng 10 ngày liên quan đến các nội dung được kiến nghị trong kết luận thanh tra.
Theo kế hoạch vào ngày 19/6 tới đây, cơ quan này sẽ làm việc với Vinachem về việc triển khai khai kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn này.
Tại buổi làm việc này, ngoài việc lắng nghe các bên liên quan báo cáo tình hình triển khai, tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo, kiến nghị hậu kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cùng các đơn vị chức năng cũng sẽ lắng nghe những ý kiến, phản hồi liên quan đến những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở các ý kiến, phân tích về nguyên nhân khó khăn, phương án xử lý và kế hoạch hoàn thành, Thanh tra Chính phủ sẽ tập hợp để báo cáo Thủ tướng. Báo cáo sẽ nêu rõ những nội dung kiến nghị đã thực hiện xong, kèm theo kết quả đạt được; Những nội dung kiến nghị chưa thực hiện được, nêu rõ các lý do khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, phương án xử lý và thời gian dự kiến.
Theo kết luận thanh tra Vinachem được công bố năm 2012 và 2012, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với khoảng 10 nội dung chính liên quan đến cơ chế chính sách, xử lý kinh tế và xử lý hành chính.
Trong đó, liên quan đến cơ chế chính sách, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vinachem cần kịp thời hoàn thiện văn bản pháp lý liên quan đến quy chế quản lý tài chính, quy chế người đai diện phần vốn Nhà nước, trách nhiệm của Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp, cũng như quy định về chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ quản lý Nhà nước tại tập đoàn…
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, đơn thư khiếu nại tố cáo theo thẩm quyền, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, điều chỉnh dự án, đấu thầu, nghiệm thu các hạng mục công trình cũng như việc quản lý tài sản, đất đai theo quy định.
Vinachem còn phải thu hồi nhiều tỷ đồng sai phạm
Liên quan đến xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị Vinachem triển khai 6 nội dung cơ bản, gồm: Thu hồi số tiền 4,652 tỷ đồng và tiền lãi theo quy định do Công ty cổ phần Pin- Ắcquy Vĩnh Phú chiếm dụng từ năm 2007, chỉ đạo công ty này bàn giao tài sản loại khỏi doanh nghiệp cho Công ty mua bán nợ số tiền 3,783 tỷ đồng; Chỉ đạo Ban Quản lý Đạm Ninh Bình thu hồi số tiền nợ trên 5,5 tỷ đồng cho Công ty Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh bình vay cũng như xử lý giá trị hơn 86,3 tỷ đồng loại khỏi doanh nghiệp còn nợ động.
Ngoài ra, Vinachem cần xuất toán hoàn Quỹ hỗ trợ sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp khoản tiền lãi và tiền gửi tại ngân hàng thương mại gần 33,2 tỷ đồng đã hạch toán; Thu hồi về Quỹ khoản tiền đã sử dụng cho vay không đúng mục đích 282 tỷ đồng; đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý khoản tiền gần 658 tỷ đồng do chỉ chưa đúng đối tượng, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo kết luận thanh tra, Vinachem cần phải giảm vốn góp 12 tỷ đồng đảm bảo tỷ lệ 37% vốn góp vào công ty tài chính cổ phần hóa chất, với lộ trình giảm vốn của Tập đoàn tại công ty này đến năm 2013 đảm bảo đúng tỷ lệ 30%; điều chuyern số tiền 3,1 tỷ đồng tại Công ty TNHH Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất về tập đoàn. Đồng thời điều chỉnh khoản vốn mua cổ phần số tiền 22,29 tỷ đồng tại công ty VICS theo nguyên tắc đảm bảo.
Liên quan đến kiến nghị xử lý hành chính, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Vinachem tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định…
Trước đó, hồi tháng 5, Bộ Công Thương cũng có báo cáo gửi Chính phủ đề cập đến kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tại 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương.
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương cho biết, đối với các cá nhân thuộc Vinachem, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiêu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.
Trước đó, ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1834/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật đối với Ông Nguyễn Anh Dũng bằng hình thức cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
H.Anh