Sắp xoá bỏ độc quyền kinh doanh điện và xăng dầu
(Dân trí) - Danh mục hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến dự kiến sẽ loại bỏ hai mặt hàng là điện và xăng dầu.
Bộ Công Thương vừa ban hành Dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.
Theo dự thảo, Nhà nước sẽ nắm độc quyền 7 loại hàng hoá và 9 dịch vụ. Trong đó, có một số lĩnh vực quan trọng như: an ninh quốc phòng; vật liệu nổ công nghiệp; thuỷ điện đa mục tiêu và điện hạt nhanh; sản xuất vàng miếng và xuất khẩu vàng nguyên liệu; phát hành xổ số kiến thiết; sản phẩm thuốc lá; dịch vụ hoa tiêu hàng hải; dịch vụ công ích đảm bảo an toàn hàng hải; bảo đảm hoạt động bay; tiền; hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông; rừng đầu nguồn…
Điểm đáng lưu ý, kinh doanh xăng dầu được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước nắm giữ độc quyền.
Trong khi đó, với mặt hàng điện, Nhà nước chỉ nắm độc quyền ở khâu vận hành thuỷ điện đa mục tiêu và điện hạt nhân và khâu truyền tải, điều độ cũng như vận hành hệ thống điện quốc gia các nhà máy lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
Dự thảo nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia. Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện độc quyền nhà nước vào sản xuất, kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều 5 phải tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước không được thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền.
Đồng thời, phải chịu các biện pháp giám sát đầu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động; công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh được giao của doanh nghiệp nhà nước tuân thủ theo pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước
Phương Dung