Sắp thay đổi hàng loạt chính sách, giá ô tô Việt tăng lên hay giảm đi?

An Linh

(Dân trí) - Thuế nhập xe từ EU giảm, xe trong nước hết hạn giảm phí trước bạ là những thay đổi lớn cho thị trường xe Việt năm 2021. Tuy nhiên, cũng có một số chính sách được đón chờ như tin vui cho thị trường

Ưu đãi phí trước bạ có thể hết hạn đúng 2020 

Năm 2020, chính sách cho ô tô trong nước tốn nhiều giấy mực của báo chí và chuyên gia là việc Chính phủ cho phép xe sản xuất, lắp ráp được giảm 50% phí trước bạ (từ 10-12% xuống còn 5-6%/chiếc/tùy theo địa phương).  

Sắp thay đổi hàng loạt chính sách, giá ô tô Việt tăng lên hay giảm đi? - 1

Phí trước bạ không được giảm, song còn nhiều chính sách tốt hơn cho ngành xe hơi trong năm tới

Nhiều vấn đề được đưa ra như thất thu thuế, vi phạm phân biệt đối xử hay có thể tạo tiền lệ xấu đối với cạnh tranh... Tuy nhiên, rõ ràng, chính sách này của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định, hỗ trợ người tiêu dùng Việt, kích thích họ mua xe sản xuất trong nước. 

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ không kéo dài thời hạn áp dụng giảm 50% phí trước bạ này đến tháng 6/2021 như đề xuất của một số bên. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng việc giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước có thể sẽ kết thúc theo đúng thời hạn mà Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định. 

Như vậy, giảm 50% phí trước bạ - chính sách được nhiều người dễ nhận ra chấm dứt vai trò của mình. Tuy nhiên, việc này có thể không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường, đến giá xe, bởi hiện nhiều hãng xe đã và đang giảm giá xe mạnh, vượt mức giảm phí trước bạ để kích cầu, tri ân khách hàng.  

Thậm chí, có hãng tặng 100% phí trước bạ cho khách khi mua xe trả thẳng tiền 1 lần. Trong khi đó, ở phân khúc xe ăn khách như sedan, hatchback, xe đa dụng 7 chỗ, hầu hết các hãng đều giảm giá mạnh để đạt doanh số. Nhiều dự đoán của đại lý xe hơi ở Hà Nội, bước sang năm 2021, các đại lý vẫn sẽ phải đưa ra khuyến mãi, giảm giá xe để chạy doanh số, đẩy hàng tồn và chủ động các đơn hàng mới. 

Chờ đợi nhiều chính sách ưu việt hơn năm 2021! 

Năm 2020 - 2021, thị trường xe Việt đón chờ rất nhiều chính sách xe hơi tốt cho doanh nghiệp, cho thị trường và cả người tiêu dùng. 

Sắp thay đổi hàng loạt chính sách, giá ô tô Việt tăng lên hay giảm đi? - 2

Thuế linh kiện nhập khẩu được giảm, cơ hội lớn để kích thích sản xuất xe tại Việt Nam

Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP về giảm, miễn thuế đối với linh kiện, cụm linh kiện nhập khẩu để lắp ráp, sản xuất xe hơi trong nước. Đối tượng thụ hưởng chính sách là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi, doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô. Điều kiện doanh nghiệp được thụ hưởng là phải sản xuất sản lượng xe chung và riêng tối thiểu theo đúng yêu cầu đề ra và có lộ trình. 

Đây được xem là chính sách ưu đãi nhưng có chọn lọc và đúng, trúng của Việt Nam sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành ô tô nhưng điểm yếu vẫn là chi phí sản xuất cao do phần lớn phụ thuộc nhập linh, phụ kiện lắp ráp, điều này làm tăng chi phí, giảm cạnh tranh. 

Việc Chính phủ cho phép miễn, giảm thuế suất thuế nhập linh kiện ô tô góp phần giảm chi phí, từ đó giảm giá xe hơi trong nước, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường ô tô có quy mô tiêu thụ lớn hơn.

Ngoài ra, một chính sách tốt đang được Chính phủ gợi mở là điều chỉnh Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi theo dung tích xy lanh, xe thân thiện môi trường và xe theo tỷ lệ nội địa hóa. Chính phủ đã và đang đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xây dựng đề xuất, dự thảo để sửa đổi, bổ sung chính sách này nhằm thúc đẩy ngành ô tô trong nước phát triển và hình thành thị trường xe hơi Việt rộng lớn hơn. 

Năm 2021, người Việt cảm nhận giá xe EU, Nhật, Úc giảm đi

Một tín hiệu vui cho người tiêu dùng Việt là từ cuối năm 2020 và sang năm 2021, thị trường và người tiêu dùng sẽ được cảm nhận giá xe rẻ hơn do thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước phát triển như EU, Nhật, Úc, Mehico giảm đi theo lộ trình. 

Sắp thay đổi hàng loạt chính sách, giá ô tô Việt tăng lên hay giảm đi? - 3

Người Việt sẽ cảm nhận được giá xe nhập từ EU, Nhật, Úc giảm đi từ năm 2021

Điều này có được là do Việt Nam ký kết và cam kết mở cửa thị trường với các đối tác lớn ở hai hiệp định quan trọng là EVFTA và CPTPP. 

Cụ thể, với EVFTA, Việt Nam sẽ cắt bỏ thuế nhập xe hơi từ Đức, Pháp, Thụy Điển... bình quân 6-7,4%/năm. Với mức thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước nói trên là trên 70%, việc bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu sẽ thực hiện từ năm 2020 đến năm 2029 và 2030.  

Sau thời gian này, xe xuất xứ từ các thiên đường xe hơi như Đức, Pháp về Việt Nam không chịu thuế 70% như hiện nay. Áp lực cạnh tranh cực lớn cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe trong nước nếu không chịu chuyển đổi, vươn tầm.

 Tương tự, với CPTPP, Việt Nam sẽ bãi bỏ thuế nhập với xe từ Nhật là từ năm thứ 7 trở đi và xe hơi từ các đối tác khác như Úc, Mehico từ năm thứ 10-13 kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia CPTPP. Lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước này cũng trung bình từ 6-7%/năm tương tự như xe của EU vào Việt Nam. 

Như vậy về lý thuyết, kỷ nguyên xe hơi giá đắt đỏ ở Việt Nam sẽ không còn nữa, thay vào đó là mức giá phù hợp, cạnh tranh và theo đúng thu nhập của người dân. Chỉ cần giảm giá, chú trọng chất lượng, lắng nghe thị hiếu người tiêu dùng và đi theo xu hướng phát triển công nghệ xe mới của thế giới, các hãng xe Việt có thể sẽ lấy được niềm tin người tiêu dùng và sự cạnh tranh đối với các hãng xe lớn hàng đầu thế giới khi Việt Nam rộng cửa với xe nhập.