Sắp diễn ra tọa đàm "Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn"

Trường Thinh

(Dân trí) - Chuỗi tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" số 3 với chủ đề "Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn", bàn giải pháp giúp người làm nông nghiệp chủ động hơn trong việc đưa nông sản đến người tiêu dùng, sẽ phát sóng trực tiếp lúc 10h ngày 7/6 trên Dân trí.

Từng có thời điểm, giá thanh long bán ra tại các nhà vườn ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, Bình Định, nông dân cũng khóc ròng vì giá dưa hấu có lúc giảm xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Trong khi, tại Hậu Giang, người trồng mít đứng ngồi không yên khi giá mít từng rớt xuống 5.000-7.000 đồng/kg.

Cùng thời điểm đó, tại một số chợ ở Hà Nội, TPHCM, giá dưa hấu hắc mỹ nhân lên tới 20.000 đồng/kg, gấp 10-20 lần giá bán của nông dân tại vườn; giá thanh long ruột đỏ là 40.000 đồng/kg, vượt hơn 8 lần; giá mít bóc múi là 70.000 đồng/kg, mít bổ miếng là 40.000 đồng/kg - tức cao hơn 5 lần…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến giá cả nông sản có mức chênh lệch lớn như trên là do việc tiêu thụ hàng hóa hiện nay phải trải qua quá nhiều khâu trung gian và tất cả đều do thương lái chi phối. Họ thu mua hàng hóa từ nông dân rồi đưa đến chợ đầu mối, từ chợ đầu mối tới chợ lẻ rồi mới đến các điểm bán lẻ... Từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng có thể phải trải qua 5-6 khâu trung gian và qua mỗi khâu, giá cả hàng hóa lại bị đẩy lên theo.

Người nông dân làm ra mớ rau, con cá… nhưng lại không thể trực tiếp bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng mà việc tiêu thụ hầu như phải phụ thuộc vào các thương lái. Do đó, nông dân không thể định ra giá cả mà chính các thương lái mới là người quyết định.

Nhiều năm nay, 3F (Feed - Farm - Food) hay còn gọi là mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" - mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm - đã được đề cập như giải pháp giải quyết từ gốc rễ bất cập này. Không chỉ giúp người nông dân đến gần hơn với người tiêu dùng của mình, mô hình này còn đề cao việc cung ứng sản phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc hướng tới nền nông nghiệp "sạch" hơn. Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng hiểu rõ về mô hình này cũng như cách triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.

Mô hình "Từ trang trại đến bàn ăn" chỉ phù hợp với những nông trại quy mô lớn và đòi hỏi chi phí đầu tư cao? Những hộ sản xuất quy mô nhỏ và vừa có thể vận dụng mô hình này như thế nào? Có thể nhờ đến những sự hỗ trợ nào để triển khai hiệu quả hơn?

Chuỗi tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" số thứ 3 sẽ được tiếp nối với chủ đề "Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn" nhằm đưa ra những chỉ dẫn đắt giá dành cho những người làm nông nghiệp quan tâm đến cách đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu thụ.

Chương trình với sự tham dự của 4 vị khách mời nhiều kinh nghiệm:

Ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam

Ông Lâm Thế Khải - Giám đốc Sản phẩm UPOS Việt Nam

Anh Đỗ Minh Thịnh - Chủ Nông trại Vitamin

Anh Doãn Hiếu - KOC (Người tiêu dùng chủ chốt)

Sắp diễn ra tọa đàm Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn - 1

Chương trình với sự tham dự của 4 vị khách mời nhiều kinh nghiệm.

Tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" số thứ 3 sẽ phát sóng trực tiếp trên Báo Dân trí và fanpage Dân trí vào lúc 10h ngày 7/6/2022. Độc giả quan tâm đến chủ đề này, có thể đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm tại đây .