Sáng sớm hàng đã hết veo, mặc giá cả tăng ngày ông Công ông Táo về trời

(Dân trí) - Càng đến những ngày cuối năm, giá cả càng các mặt hàng tiêu dùng càng có sự biến động. Giá tăng cũng không hẳn do người bán cố tình đẩy giá, mà chủ yếu do nhu cầu đột nhiên tăng mạnh khiến cho lượng hàng hoá không đủ phục vụ thị trường.

Ghi nhận của phóng viên từ sáng sớm nay (8/2) nhằm Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường đồ lễ, cúng tiễn Táo quân vô cùng sôi động.

Các tiểu thương tại chợ cho biết, giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ ngày Tết ông Công ông Táo có tăng, nhưng sức mua của người dân vẫn rất mạnh. Ngày hôm qua, nhiều người đã mua sắm và tiến hành cúng trước để tránh tình trạng đông quá mà phải tranh nhau mua hoặc bị mua giá cao ngất ngưởng. Nhà nào chưa cúng ngay thì mua đặt trước tiền để lấy hàng trong ngày 23.

Người dân tranh thủ đi chợ từ sáng sớm
Người dân tranh thủ đi chợ từ sáng sớm

Khảo sát tại các chợ nội thành Hà Nội như phố Hàng Mã, chợ Mơ, chợ Xanh, chợ Nguyễn Công Trứ…, các mặt hàng bày bán đầy đủ, phục vụ lễ ông Công, ông Táo như Bộ Táo quân, cá chép giấy, tiền vàng, hoa cúc, hoa hồng, cau trầu, xôi chè,…chỉ cần bày bán một lúc là đã bán gần hết.

So với năm trước, giá cả các đồ hàng mã không chênh nhiều, giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo, gồm hài, mũ, cá chép thấp nhất từ 40.000 đồng, loại đẹp có thể lên tới 300.000 đồng tùy chất liệu và kích cỡ. Quần áo từ 10.000 - 25.000 đồng/bộ; cũng không nhiều nhà cúng ngựa nhưng vẫn được bày bán khá nhiều với giá 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng thần tài nhỉnh hơn so với những ngày thường, lên khoảng 25.000 đồng…

Bộ quần áo ông Công ông Táo bán rất chạy
Bộ quần áo ông Công ông Táo bán rất chạy

Bán vàng mã tại Bạch Mai (Hà Nội), anh Đức Dũng cho biết: “Giá cả các mặt hàng đồ vàng mã năm nay nhích nhẹ so với mọi năm vài nghìn đồng. Nhưng lượng tiêu thụ thì tăng khá mạnh so với năm ngoái. Mới 7 giờ sáng, tôi đã bán được gần 50 bộ ông Công ông Táo và đồ mã phục vụ cúng. Tính cả ngày hôm qua thì lượng tiêu thụ phải trên dưới 200 bộ.”

Cá chép vốn là con vật mang nhiều ý nghĩa tâm linh nhất trong ngày cúng ông Công ông Táo. Hiện giá cá chép vàng đang khá cao, dao động quanh mức 80.000 – 120.000 đồng/kg; cá chép đỏ 150.000 đồng/kg trở lên. Tuy nhiên, khách hàng không mua nhiều đến thế mà chỉ mua 3 - 5 con là đủ.

Giá cá biến động từng giờ
Giá cá biến động từng giờ

Giá mỗi nơi một khác, tuỳ vào màu sắc và kích thước cá, nhưng càng sát giờ trưa thì giá cá càng tăng nhanh chóng mặt.

Tại chợ Xanh (Hà Nội), chị Trà đã phải nhập hơn 2 tạ cá chép để bán, chị cho biết: “Giá cá tăng từng giờ, thời tiết lại lạnh, vận chuyển xa nên cũng góp phần làm giá cá tăng thêm. Giá cao, nhưng cá chép để thả thường mua theo bộ 3 - 5 con, nhà nào mua nhiều thì bộ 7 - 9 con về cúng rồi đem thả phóng sinh. Vì thế, hàng bán hết cũng rất nhanh.”

Chị Trà cho biết, nếu bán khéo và hết 2 tạ cá chép này, chị cũng lãi khoảng gần 20 triệu đồng.

Ngoài đồ vàng mã, cá chép thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng rất quan trọng. Do vậy, các nhu yếu phẩm khác như gà, xôi, thịt lợn, các loại hoa cũng khá đắt hàng.

Hiện các mặt hàng hoa tại các chợ được bày bán nhiều và sôi động nhất. Giá hoa cùng không nằm ngoài guồng quay tăng giá. Đắt hay rẻ thì cũng vẫn phải mua, hiện giá hoa hồng ở mức 10.000 đến 12.000 đồng/cành, đắt hơn ngày thường 5.000 đồng/cành; hoa cúc 7.000 - 8.000 đồng/bông, cúc nhỏ từ 25.000 - 30.000 đồng/bó, tăng 3.000 - 7.000 đồng so với ngày thường; chuối xanh có giá 30.000 - 40.000 đồng/nải, xôi lễ 30.000 đồng/đĩa.

Giá hoa cũng được dịp tăng cao
Giá hoa cũng được dịp tăng cao

Giá gà tại chợ đang được ghi nhận có mức tăng mạnh nhất, 20.000 - 30.000 đồng/kg. Gà sống có giá 130.000 đồng/kg, gà cúng đã làm sạch giá 170.000 đến 180.000 đồng/kg…

Chị Hải Vân, tiểu thương bán gà tại chợ Khương Trung cho hay: “Giá gà năm nay tăng so với cùng thời điểm năm ngoái, bởi năm nay lượng gà đẹp phục vụ mâm cúng ít. Hàng ít không hẳn do thiếu gà, mà do năm nay nhiều tiểu thương đã đặt hàng các trang trại, các mối buôn từ rất sớm để găm hàng. Người nào chậm thì chỉ lấy được ít hàng.”

Hơn 7 giờ sáng nay, chị Vân đã bán được mười mấy con gà cúng. Khách mua lại thuê mổ luôn, nên loay hoay cả sáng, phải gọi cả chồng ra mổ cùng cũng chưa hết việc. Chưa kể hàng từ hôm qua khách đặt, dặn dò sáng nay mới được mổ, thì cũng đã lên đến gần 30 con.

Giá gà tăng mạnh nhất
Giá gà tăng mạnh nhất

Càng sát giờ cúng, lượng khách mua gà càng nhiều, chị Vân phải nhờ thêm anh em trong họ để làm gà hỗ trợ. “Dự kiến, dịp lễ ông Công, ông Táo năm nay, tôi phải bán được 70-80 con. Tiền lãi cũng phải khoảng hơn chục triệu đồng, vì tính cả tiền mổ thuê”, chị Vân nói.

Việc đốt vàng mã, thả cá, cúng giỗ trong những dịp cúng giỗ hay lễ Tết là một nét văn hoá riêng của người Việt, là truyền thống lâu đời của dân ta. Tuy nhiên, cần đảm bảo an toàn, tránh gây lãng phí, ô nhiễm môi trường khi thả cá nhưng thả cả túi nilon. Và cũng cần cẩn trọng về cháy nổ trong những ngày giáp Tết này.

Thế Hưng

Sáng sớm hàng đã hết veo, mặc giá cả tăng ngày ông Công ông Táo về trời - 6