Sáng kiến sáng chế giúp tiết kiệm hàng ngàn USD cho ngành Dầu khí
“Trong tình hình ngành dầu khí gặp nhiều khó khăn, sáng kiến sáng chế là một trong những giải pháp hiệu quả để cắt giảm chi phí đến mức tối đa”, ông Cao Tùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro nhận định.
Hơn 1.700 sáng kiến, làm lợi hơn 7.300 tỷ đồng
Cụ thể, tại hội nghị Tổng kết phong trào thi đua lao động sáng tạo giai đoạn 2012 – 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tổ chức sáng nay (23/6), ông Sơn cho rằng, trong tình hình hiện nay, Tập đoàn cũng như các thành viên đều gặp nhiều khó khăn, vậy giả pháp quyết định là tiết giảm chi phí và đẩy mạnh hoạt động sáng kiến sáng chế trong đội ngũ công nhân, viên chức của Tập đoàn.
“Trong 2 năm qua với tình hình khủng hoảng ngành dầu khí, Vietsovpetro đều được yêu cầu tiết giảm chi phí tối đa, một trong những biện pháp đó là tăng cường sáng kiến sáng chế. Trong 2 năm đó, mỗi năm tiết kiệm khoảng 10 triệu USD”, ông Sơn nói.
Đáng chú ý, ông cho biết thêm: “Đó là theo quy chế cắt giảm chi phí 5%/năm thôi còn thực tế tiết kiệm gấp 5 lần đó, giá trị Tập đoàn tiết kiệm được rất lớn. Nếu chỉ cắt giảm nhân công, thậm chí lên đến hàng ngàn người cũng chỉ tiết kiệm được mấy triệu USD nhưng nếu phát triển về sáng kiến sáng chế thì tiết kiệm được mấy chục triệu USD”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào thi đua lao động, sáng tạo của ngành Dầu khí, đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của đất nước, của ngành dầu khí.
Cụ thể, trong 5 năm qua, từ phong trào thi đua lao động sáng tạo, ngành dầu khí đã có hơn 1.700 sáng kiến cấp cơ sở, làm lợi trên 7.300 tỷ đồng, có 61 sáng kiến cấp tập đoàn, làm lợi hơn 3.600 tỷ đồng, 178 tập thể, cá nhân được tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, toàn bộ các sáng kiến cấp cơ sở đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh làm lợi hàng ngàn tỷ đồng.
“Đây chính là minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh của tập thể những người lao động dầu khí và hiệu quả phong trào thi đua lao động sáng tạo do công đoàn phát động”, ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, là một trong những cá nhân tiêu biểu có sáng kiến đóng góp cho Tập đoàn trong những năm qua, ông Vũ Công Quốc Phát, Tổ trưởng Tổ Giám sát kỹ thuật tàu của PTSC chia sẻ: “Điều quan trọng nhất để đạt được hiệu quả trong quá trình lao động là niềm đam mê và dám nghĩ dám làm, cải tiến quá trình sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Tôi luôn quan niệm rằng công việc có thể có vị trí tốt hơn nếu mình có nỗ lực tốt nhất. Dù nỗ lực đó được công nhận hay không thì mình cũng cảm thấy vui lòng và sẽ giúp mình làm những việc lớn lao hơn”.
Được biết, Tại Hội nghị, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ cho 02 tập thể, Bằng khen cho 4 tập thể và 15 cá nhân; Công đoàn Dầu khí Việt Nam tặng cờ cho 9 tập thể, bằng khen cho 15 tập thể và 158 cá nhân. Đây là những đại biểu được các đơn vị bầu chọn, suy tôn từ phong trào thi đua lao động sáng tạo có nhiều sáng kiến, giải pháp tiêu biểu xuất sắc có giá trị làm lợi lớn; đó là các cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân trực tiếp sản xuất họ đã và đang có nhiều thành tích đóng góp trong sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển và tổ chức Công đoàn vững mạnh, họ cũng là những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất 05 năm qua của ngành Dầu khí Việt Nam.
Mục tiêu, nhiệm vụ cao cả
Trong xu thế hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, nhiệm vụ đặt ra với ngành Dầu khí là rất lớn. Những mục tiêu, giải pháp mà Tập đoàn đưa ra, đặc biệt là các công cụ đột phá, các nội dung trọng tâm trong phong trào thi đua lao động sáng tạo trong thời gian tới cần thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận định cần nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong tập đoàn, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong từng cơ quan, đơn vị nói riêng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ lan tỏa trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, chiến lược Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, phát động thi đua phát triển kinh tế xã hội.
Đồng tình với ông Cường, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phát hiện bồi dưỡng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, các mô hình mới, tạo thành phong trào, động lực để từng cơ quan trong ngành có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Không những vậy, ông Lâm nói Công đoàn Dầu khí Việt Nam cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lương các phong trào thi đua mà nòng cốt là lao động giỏi, lao động sáng tạo để thu hút nhiều công nhân, viên chức, lao động tham gia. Tiếp tục nghiên cứu những hình thức mới có nội dung sinh động nhằm thúc đẩy phong trào hơn nữa. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức dầu khí phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, tinh thần, năng lực, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Hướng các công trình nghiên cứu vào việc giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ theo yêu cầu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như của đất nước”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hồng Vân