Vĩnh Long:

Sản xuất lúa sạch, cơ hội giúp nông dân làm giàu

(Dân trí) - Đã 3 vụ qua, nông dân ở xã Mỹ Lộc (hyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) duy trì mô hình sản xuất lúa hữu cơ và ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Sản phẩm làm ra bán với giá cao, ổn định nên bà con hy vọng sẽ làm giàu, phát triển bền vững nhờ sản phẩm sạch.

Trên cánh đồng rộng 30 ha tại ấp 9 (xã Mỹ Lộc), lúa sản xuất quy trình hữu cơ, khép kín đang trong giai đoạn đẻ nhánh sau hơn 20 ngày gieo sạ. Ông Trần Văn Thành, canh tác 2 ha lúa cho biết: “Vụ đông xuân này lúa phát triển khá tốt, năng suất dự kiến sẽ cao hơn 2 vụ trước nên bà con rất phấn khởi. Hiện tại bà con đã quen dần với cách sản xuất hữu cơ khép kín hoàn toàn không xài phân bón, thuốc hóa học”.

Theo ông thành, địa phương mới triển khai vụ thứ 3 sản xuất theo quy trình hữu cơ. Ở 2 vụ đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao khoảng 3,8 tấn/ha nhưng bù lại bán được với giá 11.000 đồng/kg (cao hơn lúa thường cùng loại từ 3 đến 4.000 đồng/kg).

Nông dân mạnh dạn sản xuất lúa hữu cơ để cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường
Nông dân mạnh dạn sản xuất lúa hữu cơ để cung ứng sản phẩm sạch ra thị trường

Ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc) cho biết: “Hiện tại HTX có 40,8 ha ở ấp 9 và ấp 11 sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ. Lúc đầu bà con gặp khó khăn vì năng suất thấp nhưng hiện nay bà con rất an tâm vì đầu ra ổn định, bán với giá cao”.

HTX Tân Tiến đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP (TP Hồ Chí Minh) để cung ứng phân bón hữu cơ và ký hợp đồng với Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh để bao tiêu đầu ra sản phẩm là lúa thơm Jasmine. Ngoài ra, cánh đồng sản xuất theo quy trình hữu cơ luôn có 2 kỹ sư (của Công ty cung ứng phân bón hữu cơ và Phòng NN&PTNT huyện Tam Bình) luôn túc trực để kịp thời tư vấn, để ra giải pháp xử lý phòng dịch bệnh.

Cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp
Cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp

Ông Dương Văn Thương, canh tác 5,5 công lúa trong mô hình cho biết: “Ban đầu khó khăn lắm vì năng suất thấp nên bà con cũng nản và lợi nhuận còn thấp hơn sản xuất lúa thường. Tuy nhiên, nhờ đầu ra ổn định và sản xuất theo quy trình sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên bà con dần tin tưởng, quyết cùng nhau vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Theo bà con nông dân, do sản xuất theo quy trình hữu cơ không bón phân hóa học nên lúa phát triển từ từ, lá cứng, không xanh nên sâu rầy cũng ít tấn công hơn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là năng suất thấp nên bà con đang kiến nghị trong thời gian tới chỉ sản xuất 2 vụ/năm thay vì 3 vụ như hiện nay để có thời gian cho đất nghỉ, tích tụ phù sa trong những tháng nước nổi nhằm giúp năng suất tăng cao hơn.

Cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân sản xuất lúa hữu cơ
Cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân sản xuất lúa hữu cơ

Cứ 10 ngày bà con trong HTX sẽ tổ chức họp 1 lần để cùng với kỹ sư, lãnh đạo địa phương. Khi đó, cán bộ kỹ thuật sẽ tư vấn cho bà con cách xử lý các chế phẩm sinh học để trừ cỏ, diệt sâu rầy hay thời điểm bón phân hữu cơ cho lúa đẻ nhánh nhằm đạt năng suất cao. Nhờ vậy, những vướng mắc của bà con được giải đáp, xử lý kịp thời.

Cứ 10 ngày bà con sản xuất lúa hữu cơ tổ chức họp để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp xử lý kịp thời
Cứ 10 ngày bà con sản xuất lúa hữu cơ tổ chức họp để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp xử lý kịp thời

Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc cho biết: “Mô hình này được triển khai từ tháng 6/2016 đến nay đang sản xuất vụ thứ 3. Đây là mô hình mới nên bước đầu gặp rất nhiều khó khăn vì năng suất khá thấp. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm có các cấp chính quyền, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật nên trong vụ đông xuân này lúa phát triển khá tốt, nông dân rất an tâm. Trong thời gian tới sẽ xúc tiến ký hợp đồng để giúp nông dân mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ”.

Minh Giang