1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trà Vinh:

Lão nông người Khmer trở thành tỷ phú nhờ cây lúa

(Dân trí) - Ông Thạch Chane (ngụ ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Tỉnh Trà Vinh) là một trong số ít nông dân người đồng bào dân tộc Khmer trờ thành tỷ phú ở địa phương. Nhờ ý chí, sự cần cù, ông làm giàu trên chính thửa ruộng của mình với nghề trồng lúa, chăn nuôi.

Sinh ra và lớn lên tại sóc Ô Rung - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ông Chane cũng gắn chặt với đồng ruộng ngay từ nhỏ. Năm 1987, ông lập gia đình và được cha mẹ cho gần chục công đất để lập nghiệp. Ông Chane kể lại: “Vùng đất này ngày xưa trồng lúa một vụ/năm lại cằn cỗi nên nhiều người không muốn làm ruộng vì thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Tôi vừa trồng lúa, nuôi vịt, nuôi heo để tích góp từ từ. Những thửa ruộng xung quanh người ta không muốn canh tác nên “năn nỉ” tôi mua lại cho họ. Có hộ dân bán 1 công đất (1.000 m2) chỉ khoảng 400 kg lúa nhưng cho trả từ từ theo mùa vụ vì trồng lúa rất vất vả”. Vậy là cứ mỗi vụ lúa ông tích góp vài công đất với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất của quê hương mình. Sau mấy chục năm tích góp, bây giờ ông Chane có trong tay 12 ha lúa, vườn cây trồng dừa, đàn bò hơn chục con với lợi nhuận trên 700 triệu đồng mỗi năm.

Lão nông Khmer kể chuyện làm giàu

Ông Chane tâm sự: “Ban đầu chỉ trồng lúa 1 vụ/ năm nhưng thấy các vùng khác trồng 2 vụ nên mình bắt chước làm theo. Bây giờ vùng này có thể làm được 3 vụ với năng suất 7 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, để làm được như vậy là cả một quá trình gian nan. Lúc đó vì chưa có đường bộ, kỹ thuật không có nên tôi cùng mấy nông dân xung quanh phải bơi xuồng ra đầu lộ để rước cán bộ kỹ thuật ở phòng nông nghiệp về dạy cách bón phân, xịt thuốc, làm 3 giảm 3 tăng… cho bà con đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ vậy, bây giờ tôi làm hơn chục ha lúa nhưng khỏe re vì biết kỹ thuật, áp dụng máy móc vào đồng ruộng”.

Lão nông người Khmer trở thành tỷ phú nhờ cây lúa - 1

Cánh đồng lúa hơn chục ha của ông Chane

Có được nhiều đất, ông Chane bắt đầu nghĩ tới việc mua máy móc phục vụ đồng ruộng và làm dịch vụ cho những hộ dân lân cận. Ông Chane cho biết: “Mấy năm trước tình cờ xem ti vi thấy bên Kiên Giang người ta chế tạo ra máy xịt thuốc lớn có thể chạy trên đồng ruộng như máy cày, tôi rất ham như không biết làm sao để liên hệ, đặt mua. Mấy ngày sau, tôi lên UBND xã nhờ cán bộ nông nghiệp đặt mua giúp. Nhờ vậy mà tôi có cái máy này đầu tiên trong xóm để vừa xịt thuốc ở đồng nhà và làm thuê nếu nông dân xung quanh có nhu cầu”. Ngoài ra, với diện tích 12 ha nên ông Chane cũng sắm luôn cả máy cày, máy xới, lò sấy để vừa phục vụ sản xuất ở cánh đồng của mình vừa làm dịch vụ.

Có tiền tỷ trong tay, ông Chane vẫn cần cù ra đồng làm việc
Có tiền tỷ trong tay, ông Chane vẫn cần cù ra đồng làm việc

Là nông dân giàu có nhất trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, ông Channe luôn tích cực hướng dẫn, giúp vốn để những bà con xung quanh thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hiện tại, ông cho bà con xung quanh mượn khoảng 100 triệu đồng để mua con giống chăn nuôi bò, heo. Mỗi hộ được mượn trung bình hơn 20 triệu đồng không lãi suất để mua con giống chăn nuôi. Sau 1 năm sẽ trả lại để ông cho hộ khác mượn xoay vòng cũng không tính lãi. Hiện tại, có gần chục hộ được thoát nghèo vươn lên khá giả từ đồng vốn nghĩa tình của ông Chane.

Mua máy móc để vừa phục vụ sản xuất vừa làm dịch vụ
Mua máy móc để vừa phục vụ sản xuất vừa làm dịch vụ
Phụ phẩm từ ruộng lúa ông Chane chăn nuôi bò để kiểm thêm thu nhập
Phụ phẩm từ ruộng lúa ông Chane chăn nuôi bò để kiểm thêm thu nhập

Ông Nguyễn Gia Hiền, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Hưng cho biết: “Ông Chane là nông dân tiêu biểu nhất của địa phương không chỉ sản xuất giỏi mà còn quan tâm, giúp đỡ những nông dân khác cùng vươn lên làm giàu. Vừa rồi ông là đại diện duy nhất của nông dân tỉnh Trà Vinh được tôn vinh nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2016. Ở ông Chane có sự cần cù, quyết tâm làm giàu xứng đáng để các nông dân khác học hỏi, noi theo”.

Minh Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm