1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Sàn Hà Nội chuyển mình và tăng tốc

(Dân trí) - Vào những ngày cuối tháng 11 này, các nhà đầu tư và công chúng đã và đang chứng kiến các “đại gia” lần lượt chào sàn Hà Nội. Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau một thời gian khá dài yên ắng, giờ đây, sàn Hà Nội đang chuyển mình và tăng tốc...

Điểm mặt “đại gia”

Tính đến ngày hôm nay, 30/11, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận cho 34 doanh nghiệp được giao dịch tại Trung tâm. Và tính riêng trong tháng 11 này đã có 4 doanh nghiệp là Bá Hiến Viglacera, Xi măng Bỉm Sơn, Ngân hàng Á Châu và Bảo Minh chào sàn Hà Nội.

Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), sự kiện Ngân hàng Á Châu (ACB) lên sàn (ngày 21/11) có thể xem là mốc đánh dấu một giai đoạn mới của HASTC, cả về chất và lượng.

Dự kiến trong năm 2007 HASTC sẽ có một bước chuyển mình khác về chất, tập trung vào xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, được hình thành trên cơ sở một thị trường đấu thầu hiệu quả, một thị trường giao dịch thứ cấp hiệu quả và tách ra khỏi thị trường cổ phiếu.

 

HASTC cũng đang có định hướng nghiên cứu phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán để có hình thức quản lý giao dịch OTC của các công ty đại chúng, nhằm tạo một bước đi mới trên thị trường này.

Bởi chỉ trong phiên giao dịch của ngày đầu tiên chào sàn Hà Nội, ACB đã đạt gần 7,5 tỉ đồng, chiếm quá nửa tổng giá trị giao dịch của cả sàn, khối lượng đăng ký giao dịch trên 110 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị trên 1.100 tỷ đồng theo mệnh giá.

Cũng theo ông Dũng, đây là một sự đột phá cho HASTC Hà Nội, bởi ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của ACB, chỉ số HASTC - INDEX tăng thêm 5,77 điểm, đạt 202,94 điểm. Cổ phiếu ACB đã làm tăng thêm 25% quy mô vốn điều lệ của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội, lên tới 5.500 tỷ đồng theo mệnh giá.

Tiếp nối theo đó, ngày 28/11 vừa qua, sàn Hà Nội lại chứng kiến cổ phiếu BMI của Tổng CTCP Bảo Minh chào sàn. Khối lượng giao dịch của BMI trong phiên đầu tiên đạt 75.400 cổ phiếu, chiếm 9,63% khối lượng giao dịch toàn thị phần. Như vậy, cùng với ACB, BCC, cổ phiếu BMI đã thể hiện sức hấp dẫn của mình trên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch, toàn thị trường có 782.800 cổ phiếu được chuyển nhượng, đạt giá trị 27,74 tỉ đồng, tăng 23,82% so với phiên trước. Hầu hết các cổ phiếu được chuyển nhượng theo phương thức báo giá, giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm 3,47% và được thực hiện với cổ phiếu BCC, BMI, KHP, PPC, đạt 26.300 CP.

Cổ phiếu BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (chào sàn ngày 24/11) có mức bứt phá mới và dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch với 318.700 cổ phiếu được chuyển nhượng, tăng 36,25% so với phiên trước và chiếm 40,71% khối lượng toàn thị phần. Ngoài ra, BCC còn là cổ phiếu có giá giao dịch tăng mạnh nhất với mức tăng 1.300đ/cp, đóng cửa tại mức giá 22.000đ/cp.

Sự tăng trưởng liệu có bền vững?

Ông Trần Vĩnh Đức, Tổng Giám đốc Bảo Minh cho biết: “Việc chọn Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội để giao dịch cổ phiếu, ngoài mục đích khuếch trương thêm hình ảnh của Bảo Minh, công ty muốn mở rộng và khẳng định tên tuổi của mình tại Hà Nội.

Ngoài ra, đây còn là thời điểm tốt để Bảo Minh lên sàn, vì việc được giảm 50% thuế trong 2 năm là không nhỏ đối với khoản lợi nhuận hàng năm gần 100 tỉ đồng của Công ty” .

Như vậy, với sự chào sàn của các đại gia vào cuối tháng 11 này, một số ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp ồ ạt lên sàn Hà Nội là một cuộc chạy đua khi thời hạn để được hưởng ưu đãi thuế ngày càng ngắn lại. Bởi, theo một công văn của Bộ Tài chính, thì việc bỏ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức niêm yết từ 1/1/2007 đang đến gần.

Theo đó, “định hướng của HASTC là phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tham gia thị trường chứng khoán. Việc xem xét để duyệt hồ sơ niêm yết, phải trả lời doanh nghiệp trong 20 ngày được xem là một bước thí điểm táo bạo trong cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện tối đa phục vụ doanh nghiệp. Nhưng đó không phải là một quá trình dễ dãi”, ông Trần Văn Dũng khẳng định.

Và trong bối cảnh hiện nay, với hệ thống giao dịch liên tục, thủ tục nhanh gọn đang là điểm mạnh của sàn Hà Nội đối với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có ý định lấy sàn Hà Nội làm “trạm trung chuyển”. Bởi theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, sàn Hà Nội đang có những bước đi quan trọng và khi quy mô vốn của sàn Hà Nội tăng lên sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh, từ đó tạo bàn đạp để sàn Hà Nội mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Nguyễn Hiền