Sắm Tết: Tiếc tiền triệu, chị em mách nhau đi may áo dài mặc Tết
(Dân trí) - Giá áo dài Tết bán sẵn dao động 300.000 đồng đến vài triệu đồng/bộ. Mua loại rẻ thì chất liệu xấu, loại đắt thì quá ngân sách, không ít chị em mách nhau mua vải rồi đi may áo dài để tiết kiệm chi phí.
Vài trăm nghìn đồng cũng có, 3-5 triệu đồng/bộ cũng có
Mỗi năm, Hải Anh (Hà Nội) đều mua 3 bộ áo dài mới để mặc vào 3 ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết. Giá mỗi sản phẩm khoảng 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng đồ mặc 3 ngày Tết, cô tốn khoảng 5 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm mua áo dài, Hải Anh cho biết sản phẩm này có giá bán khá đa dạng, mức độ chênh lệch tương đối lớn. Cùng là chất liệu lụa mỗi loại áo dài lại có mức giá khác nhau, dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Áo dài chất liệu tơ có giá bán cao hơn, khoảng 1,5 triệu đồng/bộ trở lên.
Vài năm trở lại đây, áo dài vải linen, thô mềm được bán nhiều, với mức giá từ 1 triệu đồng trở lên.
Thậm chí, nhiều cửa hàng bán áo dài thiết kế với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung, khoảng 4-5 triệu đồng/bộ. Điều đáng nói là nhiều nơi đã làm lại mẫu mã của những bộ áo dài này và bán giá chỉ bằng 1/7, 1/8, chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi bộ.
Trên các sàn thương mại điện tử, áo dài được "sale off" (giảm giá) khá mạnh, từ 30% đến 50% theo lời quảng cáo. Có những mẫu áo dài được bán với giá 300.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, theo Hải Anh, thật khó để kiểm định chất lượng của những bộ áo dài được bán tràn lan với mẫu mã na ná nhau.
Khi kinh tế khó khăn, Hải Anh cho biết cô cân đối giảm chi tiêu, bằng việc sẽ tiết kiệm chi phí mua trang phục mặc Tết. Năm nay, thay vì mua áo dài, Hải Anh lựa chọn tự mua vải và đặt may.
Với những loại vải có giá bán trung bình, chi phí vải một bộ khoảng 200.000-300.000 đồng. Tiền công may cho thợ khoảng 500.000 đồng/bộ. Như vậy, mỗi bộ áo dài có giá khoảng 700.000 đồng, giúp cô tiết kiệm một nửa so với giá mua ngoài cửa hàng.
Mua trực tiếp thay vì mua online
Dịp Tết, hội chị em chủ yếu ưa chuộng áo dài cách tân vì tính mới lạ, thoải mái. Những mẫu áo dài phổ biến trong những năm trở lại đây gồm áo dài dáng suông, áo dài tay lửng, áo dài thêu hoa, áo dài vai phồng, áo dài cổ tròn.
Linh Chi - người "cuồng" áo dài - cho hay cảm giác mặc áo dài dịp Tết rất thú vị và mỗi năm Tết chỉ có một lần nên không ngại chi trả. Tuy nhiên, trang phục này khá kén dáng, kén người mặc. Do vậy, cô khuyên hội chị em nên mua trực tiếp thay vì mua qua mạng kẻo rẻ hóa đắt. Mua online dễ xảy ra tình trạng không vừa vặn, không hợp màu sắc và không thể sử dụng.
Linh Chi kể câu chuyện từng mua phải áo dài được quảng cáo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Hình ảnh được quảng cáo khá lung linh, bắt mắt, tuy nhiên khi nhận về tay là bộ áo dài thừa chỉ, đường may cẩu thả, phom dáng khác xa với tưởng tượng.
Ngoài ra, Linh Chi cho hay áo dài được bán quanh năm tại các cửa hàng chuyên kinh doanh áo dài. Cô thường lựa chọn mua áo dài từ khoảng tháng 8 dương lịch, thay vì để cận Tết mới mua. Lý do là dịp cuối năm, nhu cầu mua áo dài tăng cao nên giá bán cũng từ đó bị đẩy cao. Linh Chi đưa lời khuyên mọi người nên mua áo dài sớm để có mức giá hợp lý.
Thảo Trang - một stylist ở Hà Nội - nói nếu không phải người làm ở lĩnh vực thời trang, mọi người nên mua áo dài có phom dáng cơ bản, màu sắc cơ bản để có thể sử dụng được nhiều lần. Cô đưa ví dụ những màu sắc phù hợp cho áo dài Tết gồm đỏ, vàng, xanh, hồng, trắng, be.
Theo Thảo Trang, những bộ áo dài phá cách, màu sắc mới lạ, có thể mang lại trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh tế, những bộ áo dài độc, lạ sẽ không sử dụng được nhiều lần. Do vậy, nếu muốn tiết kiệm, mọi người nên mua những bộ áo dài đơn giản, nhã nhặn.