Sabeco đứng vững vị trí top đầu nhóm Công ty uy tín ngành thực phẩm- đồ uống năm 2017
Như tin đã đưa, cuối tuần trước, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2017. Trong danh sách này, Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn đứng vững vị trí đầu bảng.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các ngân hàng trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Dược, Doanh nghiệp Niêm Yết...
Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2017 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…) (được tính 30% trọng số điểm); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng (30% trọng số điểm); (3) Khảo sát online về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2017 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017… (40% trọng số điểm).
Theo đánh giá của Vietnam Report, ở nhóm đồ uống, Sabeco, Heineken, Pepsi là 3 công ty dẫn đầu về uy tín tại thị trường Việt Nam. Khác với nhóm thực phẩm, các công ty đồ uống tỏ ra khá dè dặt trong việc xuất hiện trên truyền thông trong năm vừa qua. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự gia nhập của các thương hiệu đồ uống ngoại thông qua M&A sẽ khiến thị trường đồ uống náo nhiệt hơn trong thời gian tới.
Theo kết quả Khảo sát online do Vietnam Report thực hiện trong tháng 9/2017 vừa qua, Bia Sài Gòn, Vissan, Hảo Hảo, Chinsu, Vinamilk, Kinh Đô… là những thương hiệu thực phẩm – đồ uống được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất phân theo từng nhóm ngành thực phẩm (thực phẩm tươi sống, đông lạnh; thực phẩm khô; gia vị; sữa và các chế phẩm từ sữa; bánh kẹo) và đồ uống.
Thị trường thực phẩm – đồ uống được đánh giá rất tiềm năng trong năm 2017 – 2018. Theo nhận định của một số chuyên gia, sau một vài năm có dấu hiệu chững lại, ngành thực phẩm – đồ uống đang dần lấy lại đà và tăng trưởng trở lại. Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 – 2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn. Còn theo thống kê gần đây nhất của Tổng cục thống kê, sản xuất, chế biến thực phẩm trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,6%, sản xuất đồ uống tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, cùng lượng khách du lịch đang ngày một tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, ngành thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong và ngoài ngành, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới đây, việc thoái vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp đầu ngành thực phẩm – đồ uống như Vinamilk, Sabeco, Habeco… sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường tiềm năng này. Gần đây nhất, sự gia nhập và lấn sân của người Thái ở nhiều doanh nghiệp với hướng sản xuất thực phẩm – đồ uống như sự hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu từ cổ phần SCIC thoái vốn tại Vinamilk... cũng dự báo trước một sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành có thể diễn ra trong một vài năm tới.
Khảo sát chuyên gia của Vietnam Report lần này cũng cho thấy, có 3 xu hướng chính trong ngành thực phẩm – đồ uống trong năm 2017 – 2018:
Phát triển nhiều dịch vụ và phương thức bán hàng: Một số doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống, ví như Vinamilk, đã ra mắt các website bán hàng trực tuyến nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm online của khách hàng. Đồng thời người tiêu dùng cũng có thể đặt mua định kỳ sản phẩm tại các đại lý của các công ty thực phẩm – đồ uống và được giao hàng định kỳ tận nơi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa phù hợp với sở thích và nhu cầu dinh dưỡng của từng cá nhân/ hộ gia đình ở từng địa phương khác nhau. Việc thay đổi dịch vụ và phương thức bán hàng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với từng nhóm đối tượng, qua đó tăng doanh số bán hàng và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm – dịch vụ của công ty.
Là thương hiệu đồ uống uy tín nhất thị trường, Sabeco vẫn không ngừng tìm kiếm, đổi mới cho ra mắt sản phẩm mới. Saigon Gold của Sabeco đang gây ấn tượng mạnh trên thị trường
Có thể thấy, tiềm tăng trưởng của ngành thực phẩm – đồ uống là rất lớn, đồng thời cuộc cạnh tranh giành thị phần của các doanh nghiệp cũng vô cùng khốc liệt. Do đó việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong ngành.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành thực phẩm – đồ uống được đăng tải trên 5 đầu báo Thời báo kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Vnexpress, Vietnam Plus, Báo dân trí trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2017. Tổng số có 831 bài báo, với tương ứng 1.518 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty.
Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Hà Anh