1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sabeco đang có gần 8.200 tỷ đồng mang gửi ngân hàng lấy lãi

(Dân trí) - Sabeco có khoản tiền mặt hơn 167 tỷ đồng và gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2% một năm. Ông lớn ngành bia này cũng phải trích lập dự phòng gần 270 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào 2 ngân hàng OCB và DongABank.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, doanh thu công ty mẹ đạt 14.323 tỷ đồng, tăng vọt gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận gộp tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015 nhưng hoạt động tài chính không mấy khả quan khiến lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 6,6%, đạt 1.971 tỷ đồng.

Lượng cổ tức, lợi nhuận được chia của Sabeco trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh đã kéo doanh thu tài chính của Sabeco từ mức 1.829 tỷ đồng năm trước xuống còn 679 tỷ đồng. Điều này lý giải vì sao chi phí quản lý, chi phí quảng cáo, khuyến mại không có nhiều thay đổi nhưng lợi nhuận của Sabeco vẫn không tăng trưởng nhiều.

Theo báo cáo của Sabeco, tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Sabeco đạt mức gần 18.131 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Đáng lưu ý, công ty khoản tiền mặt hơn 167 tỷ đồng và gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2% một năm, tăng 29,5% so với đầu năm.

Ngoài ra, Sabeco có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm, hưởng lãi suất 6,2 - 7,2%/năm.

Cũng theo báo cáo, Sabeco có khoảng 4.076 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết trong đó khoản đầu tư vào 3 công ty con là 2.237 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã phải trích lập dự phòng 490 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Trong đó, riêng với 2 khoản đầu tư vào ngân hàng đã phải trích dự phòng tới gần 270 tỷ đồng. Cụ thể, với khoản đầu tư trị giá gần 217 tỷ đồng của Sabeco vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) đã phải trích lập gần 159 tỷ đồng; Khoản đầu tư hơn 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank ) cũng khiến công ty phải trích lập 111,5 tỷ đồng, tương đương 81,8% giá trị đầu tư.

Bên cạnh đó, công ty cũng phải trích lập dự phòng ở một loạt các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác như PVI Sài Gòn (76% giá trị đầu tư), Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (66%), Chứng khoán Đại Việt (86%), Du lịch Dầu khí Phương Đông (67%),…

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với phần vốn Nhà nước đang nắm giữ 89,59%. Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu nước giải khát (VBA), người Việt tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia trong năm 2015, trong đó, riêng “ông lớn” Sabeco chiếm 43% thị phần cả nước, cung cấp cho thị trường 1,52 tỷ lít.

Riêng nửa đầu năm 2016, ngành bia phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là áp dụng cách tính mới tại cơ sở bán ra và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% tác động đến giá thành bia nhưng lượng tiêu thụ bia vẫn vượt 1,5 tỷ lít.

Liên quan tới việc thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco, mới đây, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: "Thủ tướng nói, Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cùng với Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Sabeco sẽ phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Phương Dung