1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

S-fone và con đường bạc tỉ

Đã có những đồn đoán cho rằng S-fone được một hãng viễn thông có tiếng tăm của Trung Quốc hậu thuẫn.

S-fone và con đường bạc tỉ
Ốc không mang nổi mình ốc nên Saigontel của ông Đặng Thành Tâm khó có thể bơm vốn cho S-fone.
 
Cuộc chơi tốn kém

 

Cuối năm 2010, thị phần viễn thông di động của S-fone ở vào khoảng 6-7% thị trường. Khi đó, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Tổng Giám đốc S-fone, kỳ vọng Hãng sẽ đạt 12% thị phần vào năm 2012.

 

Năm 2012 đã đến, S-fone vẫn chưa đạt được điều đó. Theo Sách trắng về công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2011, khoảng 95% thị trường viễn thông di động đã nằm trong tay Viettel, Mobifone và VinaPhone. S-fone, Vietnamobile, Beeline và EVN Telecom chia nhau 5% còn lại. Trong đó S-fone chỉ chiếm 0,53% thị trường. Số liệu này cho thấy thị phần của S-fone đã giảm thay vì tăng lên mốc 12% như kỳ vọng.

 

Mới đây, S-fone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho chuyển đổi từ CDMA sang HSPA để tiến lên 3G (con đường mà các mạng lớn ở Việt Nam đang đi).

 

Để chuyển đổi, S-fone có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, Hãng phải bỏ hầu như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm. Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Giám đốc CMC Telecom, cho rằng cuộc thay máu này sẽ là cuộc chơi tỉ USD, thậm chí nhiều tỉ USD. Ông cho biết để phủ sóng những thành phố chính ở Việt Nam, phải cần đến 10.000 trạm thu phát sóng. Trong khi đó, S-fone chỉ có chưa đến 500 trạm. Chi phí xây dựng trạm thu phát sóng rất lớn, chưa kể các chi phí khác như truyền dẫn, cáp...

 

Có thể hình dung ra chi phí thay đổi của S-fone thông qua trường hợp các hãng viễn thông mới được tái đầu tư. Beeline đã nhận gần 1 tỉ USD từ tập đoàn viễn thông Nga VimpelCom. Vietnamobile cùng với đối tác Hutchison Telecom Group đã đầu tư gần 1 tỉ USD cho việc chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang GSM.

 

S-fone có bao nhiêu tiền?

 

Tương tự như những mạng khác, S-fone cũng cần đến cả tỉ USD mới có thể chuyển đổi và phát triển được như Beeline hay Vietnamobile hiện nay. Vấn đề là tiền đâu ra?

 

Trước năm 2010, đại diện S-fone đã phát biểu rằng trong năm đó, mạng này sẽ xây dựng 10.000 trạm phát sóng. Tuy nhiên, thực tế là không có một trạm nào được xây dựng sau tuyên bố đó. Lý do là hết tiền (theo báo Sài Gòn Tiếp Thị). Điều này cũng dễ hiểu vì liên tiếp trong 3 năm 2008-2010, Hãng đã bị lỗ. Cụ thể, năm 2010 Hãng lỗ 91,3 tỉ đồng, năm 2009 (15 tỉ đồng) và năm 2008 (47,3 tỉ đồng).

 

Trong khi đó, cổ đông lớn của S-fone là Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) cũng gặp khó khăn. Năm 2011, SaigonTel của ông Đặng Thành Tâm, một trong những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, chỉ đạt doanh thu 786,73 tỉ đồng. Ngoài S-fone, SaigonTel còn có khá nhiều dự án kinh doanh khác như mạng cáp quang biển AAG, mạng thông minh, mạng truyền dẫn cáp quang, mạng truyền dẫn Microway toàn quốc và các dự án phát triển cao ốc văn phòng. Như vậy, SaigonTel không còn đủ lực để cung cấp thêm vốn cho S-fone trong cuộc chuyển đổi tốn kém này. Năm 2011, SaigonTel đã phải lên tiếng kêu gọi đầu tư cho S-fone.

 

Hiện nay chưa rõ ai sẽ giúp S-Fone chuyển đổi công nghệ. Có những đồn đoán rằng S-fone có thể sẽ được 1 trong 2 doanh nghiệp viễn thông nổi tiếng của Trung Quốc là Huawei và ZTE đầu tư vào.

 

Vì sao lại là S-fone?

 

Nếu Huawei, ZTE hoặc một đối tác nước ngoài muốn thâm nhập thị trường viễn thông di động Việt Nam vào lúc này, S-fone có lẽ là lựa chọn gần như duy nhất. Vì để đầu tư vào 3 nhà mạng lớn nhất thị trường thì vô cùng khó. Trong các nhà mạng nhỏ còn lại, Beeline đã có VimpelCom, Vietnamobile có Hutchison Telecom Group, EVN Telecom đã về với Viettel.

 

Trong khi đó, tiềm năng thị trường vẫn còn rộng mở. Thị trường viễn thông Việt Nam chưa bão hòa, khi số thuê bao thật của toàn thị trường chỉ mới đạt 40- 50 triệu và cơ hội vẫn còn. Viettel đã thành công khi ngay từ đầu những năm 2000 đã tập trung khai thác đối tượng học sinh, sinh viên. Đến nay, đối tượng này đã trở thành khách hàng đem lại doanh thu lớn cho Hãng. Năm 2011, Viettel đã lãi 20.000 tỉ đồng trên doanh thu 116.000 tỉ đồng, một con số mà ông Cường, CMC Telecom, cho là lợi nhuận siêu ngạch.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp viễn thông di động còn một kênh thu lợi hấp dẫn là khai thác các dịch vụ gia tăng. Dịch vụ nhạc chờ, nhạc chuông, trò chơi đều mang lại lợi nhuận lớn và chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, còn rất nhiều đất trống để phát triển.

 

Mức lợi nhuận lớn và tiềm năng của ngành này có lẽ là lý do khiến cho những công ty nước ngoài như VimpelCom hay Hutchison Telecom Group đầu tư vào những nhà mạng chỉ chiếm trên dưới 1% thị phần như Beeline và Vietnam Mobile. Như vậy khả năng Huawei, ZTE hay ông lớn nào đó đầu tư vào S-fone là hoàn toàn có thể.

 

Theo Lan Ca

NCĐT

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm