"Rút ruột", "tráo hàng"... tuồn hàng quá cảnh vào nội địa

(Dân trí) - Theo một văn bản chỉ đạo mới của lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng "rút ruột", "tráo hàng"...từ các container hàng quá cảnh để tuồn vào nội địa Việt Nam bán là thủ đoạn buôn lậu mới.


Một vụ quá cảnh, để thẩm lậu hơn 10 container, gồm toàn hàng nhái các thương hiệu cao cấp vừa bị bắt tại Hải quan TPHCM

Một vụ quá cảnh, để thẩm lậu hơn 10 container, gồm toàn hàng nhái các thương hiệu cao cấp vừa bị bắt tại Hải quan TPHCM

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quốc gia (BCĐ 389 Quốc gia) - vừa có văn bản gửi BCĐ 389 các bộ, và một số địa bàn trọng điểm gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp… yêu cầu tăng cường kiểm soát, đấu tranh với hoạt động buôn lậu, lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để tiêu thụ nội địa.

Theo Ban 389 Trên thực tế, núp dưới chiêu vận chuyển hàng quá cảnh, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại chuyển hướng hoạt động tinh vi hơn, táo tợn hơn.

Văn bản chỉ đạo nêu: Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của Công an, Hải quan đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện (hàng đã qua sử dụng) như phụ tùng ôtô, xe máy, điện tử, điện lạnh… diễn ra trên nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố.

"Lợi dụng nhiều địa hình đường biển, hàng không và biên giới đường bộ…, đối tượng buôn lậu đã sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi như: Rút ruột, tráo hàng, hàng không vận chuyển đến cửa khẩu xuất, tự ý phá niêm phong hải quan để tẩu tán hàng…", Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia lưu ý.

Theo thông tin mà Tổng cục Hải quan vừa qua cung cấp cho Dân trí, cuối năm 2016, Cục Hải quan TPHCM phát hiện nhiều lô hàng quá cảnh đã làm thủ tục ra khỏi cửa khẩu nhập. Qua theo dõi, cơ quan chức năng không thấy những lô hàng trên được vận chuyển đến cửa khẩu xuất.

Các vụ gần đây nhất như: Cty TNHH Vận tải Thương mại dịch vụ Triệu Hiển (557B, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) mở tờ khai vận chuyển tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để quá cảnh lô hàng 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. Thế nhưng, thực tế 178 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus đã không được quá cảnh sang Campuchia mà bị thẩm lậu vào Việt Nam. Những đối tượngbuôn lậu đã mở cửa lô hàng tẩu tán hết số điện thoại trên và thay vào đó là những hộp kem đánh răng. Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Một vụ gần đây như vụ 7 thùng thuốc tân dược với hàng chục loại thuốc đặc trị các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, suy thận…có tổng trọng lượng 382kg được làm thủ tục quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Kiến Tường, Long An) để xuất sang Campuchia, nhưng không được xuất sang Campuchia như khai báo.

Cuối tháng 1.2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) phối hợp với Công an Bình Dương, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) triệt phá một đường dây buôn lậu lợi dụng việc chuyển hàng quá cảnh để tuồn hàng lậu vào VN. Lô hàng này được nhập khẩu từ Singapore qua cảng Cái Mép, quá cảnh ở Việt Nam và xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, khi qua địa bàn Bình Dương, chiếc container được chở đến một địa chỉ khác để cắt niêm chì, lấy hàng hóa và tráo các thùng nhựa vào…

Trước tình hình trên, BCĐ 389 quốc gia yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu nổi cộm trên. Bộ Tài chính cần rà soát quy định về quản lý đối với các loại hình vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu. Đối với các lô hàng đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công An được đề nghị tăng cường chỉ đạo các lực lượng xác định đầu nậu, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, lập án đấu tranh, không để tình trạng rút lõi, đánh tráo, tẩu tán; phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng để ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu vào nội địa trong quá trình vận chuyển hoặc qua đường biên giới đưa vể VN tiêu thụ.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đề nghị Bộ Quốc Phòng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, khu vực trên sông, trên biển để ngăn chặn việc mang vác hàng hóa từ bên kia biên giới vào tiêu thụ tại Việt Nam; phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an để ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý hoạt động buôn lậu này.

"Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát thị trường bán lẻ, các đại lý, cửa hàng bày bán và kho bãi chứa đựng các mặt hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng; chủ trì phối hợp các bộ liên ngành rà soát, đánh giá chính sách về quản lý đối với hàng quá cảnh, trung chuyển hàng hóa đảm bảo theo đúng quy định pháp luật", Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị.

BCĐ 389 10 tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang được yêu cầu chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn không để tập kết, chứa chấp, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện đã qua sử dụng trên địa bàn.

Hà Nguyễn

"Rút ruột", "tráo hàng"... tuồn hàng quá cảnh vào nội địa - 2