Thanh Hoá:
Rút phép dự án thủy điện chậm tiến độ, ảnh hưởng sinh kế của người dân
(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị, thời gian tới có một đợt tổng kiểm tra, rà soát lại để rút phép một số nhà đầu tư các dự án thủy điện chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Ngày 11/7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, ông Lê Tiến Lam - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh này có 21 dự án thủy điện (DATĐ) được quy hoạch đầu tư xây dựng, với tổng công suất 825 Mw. Trong đó, 6 dự án đã hoàn thành và phát điện, 7 dự án đang thi công, 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ đầu tư để trình xem xét chấp thuận.
Việc quy hoạch, đầu tư các DATĐ trên địa bàn còn bộc lộ những bất cập, từ công tác quy hoạch đến quá trình thi công xây dựng khu tái định cư (KTĐC) và hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Do ngân sách hạn chế nên Nhà nước chỉ nghiên cứu những quy hoạch TĐ lớn trên dòng sông chính, còn lại đa số các DATĐ khác do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí khảo sát. Do vậy, quy hoạch TĐ thiếu đồng bộ, chỉ chú trọng đến khai thác năng lượng thương mại.
Theo ông Lam, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động môi trường - xã hội; loại bỏ quy hoạch các dự án có hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến đất đai, môi trường, người dân.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động ảnh hưởng, lập phương án sinh kế cho người dân; lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng để thực hiện.
Ngoài ra, tiếp tục bám sát, đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các KTĐC để bảo đảm tiến độ di dân. Đối với các KTĐC đã có người dân sinh sống, chủ đầu tư phải có trách nhiệm với đời sống của người dân, thường xuyên duy tu, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng xuống cấp, bảo đảm điều kiện sống của người dân nơi TĐC...
Tại phiên chất vấn, một số vấn đề được đặt ra đối với ngành Công Thương, như: Tác động của các DATĐ đến môi trường, đời sống người dân ở các KTĐC, nhiều DATĐ được xây dựng trên một dòng sông; nhiều dự án thu hồi đất vượt quy định, ảnh hưởng đến diện tích rừng; thay đổi dòng chảy, làm sạt lở bờ sông...
Ông Lam thừa nhận: Khi đầu tư các DATĐ thường ảnh hưởng đến đời sống, làm mất đất rừng, đất lúa, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, thay đổi dòng chảy của các con sông. Vào mùa mưa bão, các DATĐ thực hiện xả lũ không đúng quy trình ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ lưu.
Quá trình thi công các DATĐ thường kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường. Đối với công tác bố trí, xây dựng các KTĐC, theo ông Lam, các DATĐ xây dựng cơ sở hạ tầng KTĐC chưa được đầy đủ; đất sản xuất được bố trí thấp hơn và kém màu mỡ hơn...
Ông Lam cho rằng: Các DATĐ được các ngành thẩm định, đánh giá nên môi trường tương đối bảo đảm. Những dự án trên sông Luồng, sông Lò và những dòng suối nhỏ lưu lượng nước ít nên không ảnh hưởng đến địa tầng, địa chất.
Trước những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng các công trình TĐ, ông Lam nhận trách nhiệm chính của ngành Công Thương với vai trò cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đánh giá: Nhiều DATĐ đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh; ngoài ra giải quyết được cắt lũ tương đối tốt. Tuy nhiên, quy hoạch, tính toán mọi yếu tố để quyết định đầu tư, về văn bản, thủ tục đầy đủ, nhưng trong quá trình thi công không ai giám chắc thi công đúng quy chuẩn và giám sát chặt chẽ để khi công trình hoàn thành đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Ông Chiến đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát lại quy hoạch các DATĐ trên địa bàn. Những dự án nhỏ quá không nên cho làm. Kể cả những DATĐ tương đối lớn, nhưng rà soát lại nếu không đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương, đặc biệt liên quan về vấn đề cắt lũ, thủy lợi thì đề nghị Bộ Công Thương bỏ dự án này.
Đối với những dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận quy hoạch, cũng cần kiểm tra lại nếu chưa bảo đảm các quy định, cần thiết nên rút chấp thuận chủ trương đầu tư. Chỉ chấp thuận đầu tư đối với những DATĐ bảo đảm các quy định...
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, nắm lại toàn bộ đời sống và tổ chức sản xuất, sinh kế của tất cả các KTĐC bị ảnh hưởng của các DATĐ. Nếu không đảm bảo, yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan chức năng giải quyết cho bà con nhân dân, theo nguyên tắc đời sống ít nhất là bằng hoặc hơn nơi cũ.
Kết thúc phiên chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, ông Chiến đề nghị thời gian tới phải có một đợt tổng kiểm tra, rà soát lại để rút phép một số nhà đầu tư các DATĐ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Nếu cần thiết thì giao cho chủ đầu tư khác.
Duy Tuyên