1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Rút không kịp với pha "cua gấp" của cổ phiếu công ty sản xuất bao cao su

Mai Chi

(Dân trí) - Có 6 phiên tăng trần liên tiếp đầy ngoạn mục đầu năm 2021, tuy nhiên cổ phiếu MRF của Merufa sau đó "bẻ cua" rớt giá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp và bị mắc kẹt lại.

Thị trường phiên giao dịch ngày 13/1 đã chứng kiến một nhịp điều chỉnh mạnh khiến VN-Index chỉ trong 1 giờ đánh mất gần 14 điểm trước khi dần thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Có 451 mã cổ phiếu đã bị giảm giá và 14 mã giảm sàn trong phiên này.

Một trong 14 mã giảm sàn nói trên là MRF của Công ty cổ phần Merufa. Thực tế, với cổ phiếu MRF, đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp bị bán tháo, giá giảm hết biên độ trên sàn. Tổng mức giảm ở mã này trong 3 phiên lên tới gần 40% thị giá.

Đồ thị  giá của MRF theo bị bẻ gập, lao thẳng từ vùng đỉnh 77.000 đồng xuống mức 47.400 đồng tại thời điểm đóng cửa phiên hôm qua.

Rút không kịp với pha cua gấp của cổ phiếu công ty sản xuất bao cao su - 1

Cổ phiếu MRF "bẻ cua" gấp khiến nhiều nhà đầu tư không kịp bán cổ phiếu

Điểm đáng lo ngại là thanh khoản ở MRF cực kỳ thấp. Phiên 13/1, mặc dù khối lượng giao dịch đã được cải thiện đáng kể, nhưng cũng chỉ có hơn 16.000 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Khối lượng giao dịch bình quân trong vòng 1 tháng qua chỉ là 3.434 cổ phiếu/phiên. Từ phiên 8/1 đến 12/1, ở MRF, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 100 đến 200 cổ phiếu.

Điều này tạo rủi ro rất lớn cho những nhà đầu tư đang nắm giữ MRF với mục đích lướt sóng, đầu tư ngắn hạn do không thể "thoát hàng", bán nhưng không có người mua.

Trước đó, MRF gây chú ý với việc tăng trần 6 phiên liên tục từ ngày 31/12/2020 đến ngày 8/1/2021. Trong đó, khớp lệnh ở phiên 31/12 chỉ là 100 cổ phiếu nhưng đã tăng lên 3.400 cổ phiếu phiên 5/1 và lên tới 57.600 cổ phiếu ở phiên 7/1.

Như vậy, khả năng đã có một bộ phận nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu này. Những nhà đầu tư mua vào MRF từ phiên 6/1 đến 8/1 những tưởng có thể kiếm đậm (mỗi phiên MRF tăng trần với biên độ gần 15%) thì đã kẹt lại ở mã này.

Merufa lên sàn vào tháng 12/2017 với vốn điều lệ khiêm tốn, chỉ 36,7 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2020, công ty này có 4 cổ đông lớn là Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed) nắm 16,16% vốn, bà Trần Nguyễn Thanh Mai nắm 10,03% vốn, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải nắm 10,2% vốn và Ngân hàng Sacombank nắm tỉ lệ 6,59%.

Hồi cuối tháng 9/2020, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường, công ty này đã thông qua kế hoạch phát hành 2,57 triệu cổ phiếu thưởng tỉ lệ 70% cho cổ đông và chào bán 183.580 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi phát hành xong thì vốn điều lệ Merufa sẽ tăng lên 64,3 tỷ đồng.

Rút không kịp với pha cua gấp của cổ phiếu công ty sản xuất bao cao su - 2

Merufa là doanh nghiệp duy nhất sản xuất bao cao su đã niêm yết trên TTCK

Công ty này là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, mua bán các sản phẩm từ cao su dùng trong y tế, công tác kế hoạch hóa gia đình như găng tay phẫu thuật, bao cao su, các loại nút chai kháng sinh, chuyền dịch.... Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất sản xuất bao cao su hiện đang giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ĐHĐCĐ Merufa đã thông qua dự án đầu tư phân xưởng sản xuất găng số 2 (PXGA2) có tổng vốn đầu tư  230 tỷ đồng, với mục đích tận dụng thời cơ nhu cầu găng trên thế giới tăng cao, huy động nguồn vốn bằng trái phiếu có chuyển đổi, chủ động sản xuất găng tay để xuất khẩu. Thời gian đầu tư khoảng 8-12 tháng. 

Kế hoạch này từng đẩy giá cổ phiếu MRF tăng đột biến 6 phiên liên tiếp từ 24/9/2020 và những phiên tăng liên tục sau đó, giá cổ phiếu tăng phi mã từ 17.000 đồng lên mức 55.000 đồng (tức tăng giá gấp 3 lần) chỉ trong vòng hơn nửa tháng.

Trong năm 2020, Merufa đặt mục tiêu doanh thu gần 121 tỷ đồng và 12 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong năm 2019, doanh nghiệp này đạt gần 108 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,2% so với năm trước và tăng 165% lợi nhuận sau thuế lên gần 6,7 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch sáng nay (14/1), cùng với sự điều chỉnh của thị trường, cổ phiếu MRF tiếp tục đánh mất thêm 14,8% xuống còn 40.400 đồng, khối lượng giao dịch đạt 22.000 đơn vị.