Rùng mình gói nọc độc mãng xà trong tủ nhà dân Vĩnh Phúc

Những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ 20), người dân xã Vĩnh Sơn trúng đậm nhờ bán nọc độc rắn cho Nga. Hộ nào nuôi nhiều còn đem cả ca ra đong vàng cất tủ vì mỗi 1cc nọc rắn bán với giá tương đương 1 chỉ vàng.

Trúng đậm nhờ bán nọc rắn cho Nga

Những ngày cuối tháng Chạp năm 2018, ngồi trò chuyện với chúng tôi về con rắn độc - vật nuôi chính của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã, cười nói: “Nhắc đến rắn độc khiến nhiều người kinh sợ, nhưng nó cũng giúp người dân xã tôi đổi đời đó. Nhiều nhà thu nhập vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ mỗi năm”.

Ông cho biết, ở xã hiện có khoảng 750 hộ nuôi rắn, gồm hổ mang bành, hổ mang trâu và rắn hổ mang chúa, tổng đàn lên tới gần 200 ngàn con. Nhờ đó, người nuôi rắn có thu nhập tiền tỷ giờ trở nên khá phổ biến.

Ông kể, vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã khá phổ biến, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, thu nhập từ con rắn đủ giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo. Mãi đến năm 1990, chuyên gia y tế của Nga sang ký hợp đồng thu mua nọc rắn độc với giá 1cc tương đương với 1 chỉ vàng (khi ấy, giá vàng khoảng 250.000 đồng/chỉ), người nuôi rắn cảm thấy như trúng số.

Rùng mình gói nọc độc mãng xà trong tủ nhà dân Vĩnh Phúc - 1

Đầu những năm 1990, người dân làng Vĩnh Sơn bán nọc độc rắn cho Nga với giá 1cc tương đương với 1 chỉ vàng. Giờ nọc rắn khô giá chỉ khoảng 400.000 đồng/gram

Thay vì chỉ xuất bản rắn thương phẩm như những năm trước, bắt đầu từ năm 1990, họ có thêm một nguồn thu cực lớn từ việc bán nọc rắn cho Nga mà vẫn duy trì được việc xuất bán rắn thương phẩm.

Khi đó, ở xã Vĩnh Sơn có tổ đội chuyên đi lấy nọc rắn. Mỗi tháng, họ tổ chức đi lấy nọc một lần. Nhà nào nuôi nhiều mỗi lần lấy được vài chục cc nọc, nhà nuôi ít cũng được vài cc. Nọc rắn lấy ra đến đâu được đem luôn xuống Hà Nội để dùng cho việc nghiên cứu khoa học.

“Thời bấy giờ, dân Vĩnh Sơn còn nghèo, cuộc sống vẫn khó khăn vất vả. Nhưng nhờ có hợp đồng bán nọc rắn cho Nga mà nhiều người đổi đời, thậm chí trở nên giàu có”, ông Dũng nhớ lại.

Ông Quảng - một người gần 30 năm làm nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn - thừa nhận, mỗi năm chỉ lấy nọc rắn được vài lần. Những năm đầu thập niên 90, mỗi lần ông cũng lấy được khoảng 20cc nọc rắn.

“Quy ra vàng thì mỗi lần bán nọc thu về 2 cây vàng ròng. Một năm cũng được chục cây vàng, chưa kể tiền bán rắn thương phẩm”. Song, theo ông Quảng, tiền thu được từ bán nọc rắn của ông chưa phải là nhiều nhất xã. Bởi, một số hộ cá biệt, quy mô đàn rắn lớn, mỗi lần chuyên gia Nga về lấy nọc, họ bán được cả vài chục cc. Lúc đó, tiền thu được nhiều nhà để mua đất, mua vàng. Có những nhà nhiều vàng đến nỗi đem cả ca ra đong.

Riêng nhà ông Quảng, ngoài việc có tiền mở rộng quy mô đàn, mỗi năm ông mua được một mảnh đất lớn.

Rùng mình gói nọc độc mãng xà trong tủ nhà dân Vĩnh Phúc - 2

Ông Hùng cho biết, hiện nọc rắn hầu như không bán được hoặc bán được rất ít

Rùng mình nọc độc trữ trong nhà nhiều như bột sắn

Ngồi trong căn nhà 4 tầng bề thế nằm ngay trên trục đường chính của xã Vĩnh Sơn, ông Vũ Mạnh Hùng - người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ rắn, chia sẻ: “Nọc rắn lúc bấy giờ đúng là đắt như vàng ròng thật, nhưng giai đoạn đó chỉ kéo dài khoảng hơn 2 năm”.

Cái gì phải là hàng hóa thì mới có giá trị. Còn mua để nghiên cứu thì không phải là hàng hóa. Theo đó, chuyên gia Nga dừng mua thì người dân cũng không bán được nọc rắn nữa, hoặc bán được rất ít.

“Bây giờ mà người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn vẫn bán được nọc rắn như những năm đầu thập niên 90 thì giàu to, thành tỷ phú hết cả rồi”, ông Hùng chép miệng đầy tiếc nuối.

Ông Hùng kể, ở xã Vĩnh Sơn, hộ nào nuôi ít thì cũng phải vài trăm con, hộ nuôi nhiều khoảng vài ngàn con. Như nhà ông hiện cũng nuôi tới 2.000 con rắn hổ mang và hổ mang trâu.

Rùng mình gói nọc độc mãng xà trong tủ nhà dân Vĩnh Phúc - 3

Có những gia đình lấy nọc đông khô, tích trữ cả vài cân trong nhà 

Các hộ chủ yếu nuôi rắn sinh sản, rắn thương phẩm để xuất bán cho Trung Quốc là chính. Còn việc lấy nọc và bán nọc diễn ra lẻ tẻ, không đáng kể. Song, nhiều hộ vẫn lấy nọc rắn đem đông khô chờ thời, ai mua thì hỏi bán.

Nói xong, ông Hùng vào trong nhà lấy ngay một túi nilon to đựng nọc rắn đông khô, nhìn qua khá giống với túi bột sắn dây. Ông khoe: “Nọc rắn đông khô đấy, cực kỳ độc. Tôi phải bọc kín trong túi nilon chứ mở ra, chỉ cần ngửi thôi đầu óc đã choáng váng chẳng khác nào bị rắn hổ mang cắn, phải uống thuốc giải độc ngay. Chỗ này là một cân. Tôi có tổng cộng 2 cân tích trữ ở trong nhà”.

Trước kia khi lấy nọc rắn xong, dân không biết chăm sóc nên rắn thường bị chết. Giờ có nhiều kinh nghiệm, lấy nọc xong cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh trưởng và phát triển của rắn. Do đó, ông tranh thủ lấy nọc tích trữ trong nhà, biết đâu đến một thời điểm nào đó, nhu cầu trên thị trường tăng cao, ông sẵn có hàng bán.

Phải 3cc nọc mới đông khô được 1gram nọc khô. Giá hiện nay ông bán là 400.000 đồng/gram, ông Hùng cho hay.

Theo chị Chuyên, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Sơn, với tổng đàn rắn của xã lên tới gần 200 ngàn con như hiện nay, chỉ cần nọc rắn bán được 100.000 đồng/cc thì người dân đã kiếm bội tiền. Nhưng, do nhu cầu ít nên nọc rắn có lấy ra cũng không bán được.

Theo: Bảo Phương

Vietnamnet 

banner_chan-bai.gif