Rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam giảm trong mắt S&P
(Dân trí) - Trong bản báo cáo phát đi ngày 26/9 cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P khẳng định đã điều chỉnh đánh giá về rủi ro đối với ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế Việt Nam theo hướng tích cực.
Theo đó rủi ro quốc gia đối với ngành ngân hàng của Việt Nam đã được cải thiện từ mức 10 (rủi ro nhất) lên mức 9. Đồng thời rủi ro của nền kinh tế cũng tăng một bậc lên mức 9. Động thái này của S&P tiếp sau quyết định điều chỉnh tăng triển vọng đối với Việt Nam từ mức “Tiêu cực” lên “Ổn định” hồi tháng 6 vừa qua.
Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong ổn định kinh tế
Kinh tế đã ổn định hơn nhưng vẫn cần thận trọng
Theo S&P, những quyết sách được chính phủ đưa ra trong năm 2011 nhằm ổn định tình hình kinh tế đã hạn chế bớt tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng sự ổn định của giá tài sản. Điều này giúp giảm bớt nguy cơ mất cân bằng của nền kinh tế. Trong đó chính sách tín dụng chặt chẽ đã khiến tốc độ tăng trưởng dư nợ giảm từ mức trung bình 28% của 4 năm trước đó xuống chỉ còn 14,5% trong năm 2011.
“Việc hạn chế cho vay đối với lĩnh vực “phi sản xuất”, chủ yếu bao gồm cho vay chứng khoán và bất động sản, đã đóng góp lớn vào sự giảm giá bất động sản. Những diễn biến này đã chặn đứng hoặc đảo ngược đà suy giảm của các chỉ tiêu rủi ro then chốt”, báo cáo của S&P viết.
Đồng thời cơ quan này cũng đánh giá cao việc lạm phát được kéo xuống mức 6,5% trong tháng 9/2012 sau khi đã đạt đỉnh 23% trong tháng 8/2011. Điều này cho phép ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành, qua đó giảm lãi suất cho vay.
Dù vậy S&P cũng cho rằng đằng sau những chuyển biến tích cực này, nguy cơ tiềm tàng về sự mất cân đối kinh tế tại Việt Nam vẫn còn. Việc chính phủ nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng có thể làm tái phát lo ngại về sự thiếu cam kết đối với chính sách ổn định giá cả.
Trong đó cơ quan này nhấn mạnh: “Bất kỳ sự nới lỏng chính sách mạnh mẽ nào cũng sẽ làm tăng sự mất cân đối đối với tình trạng nợ của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Quá trình khôi phục lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ hiện còn ở giai đoạn sơ khai nên cần được điều hành một cách thận trọng, đặc biệt là khi nợ xấu đang tăng lên.
Việt Nam làm một nền kinh tế thu nhập thấp với hệ thống tài chính đang phát triển và khuôn khổ pháp lý còn đang được hoàn thiện. Những điểm yếu này càng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam phần nào bị giảm xuống bởi những điểm yếu này”, bản báo cáo viết.
Nợ xấu sẽ còn tăng, các ngân hàng “bỏ quên” phần đông dân cư
Đối với việc điều chỉnh mức xếp hạng rủi ro ngành ngân hàng từ mức 10 lên mức 9, S&P nhận định lượng tiền gửi của khách hàng lõi giúp các ngân hàng ít phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài hoặc cần sự hỗ trợ của hệ thống.
Ngoài ra chính phủ Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ ở mức cao đối với các ngân hàng trong nước. “Chúng tôi đã thấy có những sự hỗ trợ cho các định chế có vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng, bao gồm cả việc bơm vốn”, S&P nhận định. Dù vậy hệ thống ngân hàng vẫn phải đối diện với sự nhạy cảm cao về lòng tin, trong đó tiền gửi cá nhân dễ biến động và chịu tác động bởi tin tức bất lợi.
Bên cạnh đó S&P cho rằng đa phần các ngân hàng có khẩu vị rủi ro ở mức trung bình và chủ yếu tập trung tìm kiếm lợi nhuận và tăng trưởng trong ngắn hạn. Việc cạnh tranh thu hút tiền gửi và cho vay đều diễn ra ở các trung tâm kinh tế vốn đã bão hòa, trong khi đó một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.
Các ngân hàng nhỏ, ít danh tiếng thường cạnh tranh thông qua chính sách giá rẻ và gần đây đã phải đối mặt với áp lực thanh khoản. Ngoài ra tác giả bản báo cáo nhận định hệ thống ngân hàng vẫn chịu tác động từ sự méo mó trên thị trường do các biện pháp can thiệp hành chính.
“Chúng tôi nhận thấy rằng những can thiệp của cơ quan quản lý thường mang tính đối phó hơn là chủ động, mặc dù gần đây đã có một số nỗ lực nhằm xử lý các vấn đề tồn tại lâu dài trong lĩnh vực ngân hàng cũng như mức độ thực thi luật”, S&P nhận định.
Theo quan điểm của S&P thì trong năm 2012 tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ còn tăng sau do hậu quả của nhiều năm tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Một trong những nguyên nhân đó là hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện, dẫn tới tỷ lệ thu hồi nợ thấp và việc thanh lý, phát mại tài sản cầm cố kéo dài. Tuy nhiên gánh nặng chi trả nợ nần của các doanh nghiệp tư nhân được S&P đánh giá là sẽ giảm xuống do chi phí lãi vay đã thấp hơn năm 2011.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ này cũng khuyến cáo những tồn tại trong quản trị doanh nghiệp tại các ngân hàng và sự thiếu minh bạch sẽ tiếp tục làm suy yếu khuôn khổ pháp lý và ảnh hưởng tới khả năng nhận diện các yếu kém mới.
Thanh Tùng