Rò rỉ đơn kiến nghị của liên danh Hoa Lư về đấu thầu sân bay Long Thành

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Đại diện Coteccons - đứng đầu liên danh Hoa Lư - cho biết đang tiến hành thực hiện quyền kiến nghị theo Luật Đấu thầu và chỉ dẫn của hồ sơ mời thầu.

Đơn kiến nghị khẩn cấp

Liên danh Hoa Lư là bên dự thầu gói thầu 5.10 Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng. Thị trường vừa rò rỉ thông tin liên danh này có đơn kiến nghị, khiếu nại lên Chính phủ, các bộ ngành về bên mời thầu là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên quan đến Thông báo liên danh nhà thầu Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10, được thông báo vào ngày 1/8.

Theo văn bản này, liên danh Hoa Lư cho biết có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10. Vì vậy, liên danh này cho rằng cần xem xét lại thông báo về việc liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Liên danh Hoa Lư gồm 8 nhà thầu trong nước, đứng đầu là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, đã gửi khiếu nại lên ACV nhưng chưa được xem xét.

Giải trình vụ việc, liên danh Hoa Lư cho biết cùng 2 liên danh khác đã vượt qua vòng sơ tuyển. Cùng với tiềm lực vượt trội cả về năng lực thi công và tài chính, liên danh đã dày công nghiên cứu hồ sơ mời thầu trong 14 tháng và khẳng định rằng, hồ sơ kỹ thuật dự thầu của liên danh Hoa Lư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, ngày 1/8, liên danh Hoa Lư nhận được thông báo của chủ đầu tư về việc liên danh Vietur do nhà thầu IC Holdings của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Rò rỉ đơn kiến nghị của liên danh Hoa Lư về đấu thầu sân bay Long Thành - 1

Sân bay Long Thành đang lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 (Ảnh: VGP).

Một số vấn đề của thành viên liên danh Vietur được liên danh Hoa Lư đưa ra như thông tin về lãnh đạo của IC Holdings, lịch sử thi công của công ty này, kinh nghiệm xây sân bay... 

Ngoài ra, phía Hoa Lư còn đưa ra nhiều quan ngại khác. Ví dụ như việc chọn duy nhất một liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ phòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá….

Liên danh Hoa Lư đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét chỉ đạo bên mời thầu dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10; đề nghị thẩm tra xác minh lại năng lực của các liên danh nhà thầu, hoặc mời đơn vị độc lập thứ 3 có đủ năng lực và chuyên môn để đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu của các bên để Chính phủ có thể chọn được liên danh nhà thầu có năng lực nhất, minh bạch và trong sạch nhất nhằm thực hiện dự án quan trọng này.

Rò rỉ đơn kiến nghị của liên danh Hoa Lư về đấu thầu sân bay Long Thành - 2

Danh sách 3 liên danh tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành (Nguồn: Tổng hợp).

Coteccons nói gì?

Trao đổi với Dân trí, đại diện Coteccons cho biết đang tiến hành thực hiện quyền kiến nghị theo Luật Đấu thầu và chỉ dẫn của hồ sơ mời thầu. Đơn kiến nghị đã được gửi đến các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định. Coteccons không bình luận hay xác nhận điều gì vào lúc này.

Phía Coteccons - đơn vị đứng đầu liên danh Hoa Lư - giải thích thêm, khi thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có các quyền dưới đây.

Thứ nhất, nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư (CĐT), người có thẩm quyền (người quyết định phê duyệt dự án) xem xét lại các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu (cụ thể là trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu). CĐT phải trả lời kiến nghị trong vòng 7 ngày từ ngày nhận được kiến nghị.

Trường hợp CĐT trả lời không thỏa đáng hoặc không trả lời, nhà thầu gửi kiến nghị tới người có thẩm quyền, người có thẩm quyền phải trả lời trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Nội dung kiến nghị là yêu cầu CĐT giải thích lý do nhà thầu không đạt điểm kỹ thuật (yêu cầu cung cấp thông tin về điểm chấm cụ thể đối với từng tiêu chí chấm điểm trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu), căn cứ Điều 5.4 Thông tư 23/2015/TT-BKHDT.

Sau bước kiến nghị, nếu trả lời không thỏa đáng hoặc có dấu hiệu chấm thầu không đúng, nhà thầu có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu buộc giải thích rõ lý do tại sao nhà thầu trượt thầu (chi tiết như nội dung kiến nghị), yêu cầu chấm lại các tiêu chí cụ thể nào đó.

Về quy định, khi khởi kiện, Luật đấu thầu cho phép nhà thầu yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) "tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động liên quan đến đấu thầu" (Điều 94 Luật đấu thầu, khoản 15, Điều 114 BLTTDS).

Ngoài ra, trong trường hợp CĐT trả lời kiến nghị không thỏa đáng, nhà thầu có thể làm đơn tố cáo hành vi của CĐT tới thanh tra Bộ chủ quản (Bộ GTVT) (Điều 8.1.a Thông tư 39/2014/TT-BGTVT) liên quan dấu hiệu về hành vi vi phạm trong đấu thầu, cụ thể là chấm thầu không minh bạch, rõ ràng của CĐT.