Rau xanh khan hiếm: Hà thành liều mình ăn hàng Tàu

Rau xanh trên địa bàn Hà Nội đang khan hiếm nên tăng giá mạnh, mỗi ngày một giá khiến không ít người phải chuyển sang mua các loại rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc, mặc dù biết rõ chúng chưa chắc đã đảm bảo an toàn.

Cụ thể, tại chợ Đại Từ, chợ Mai Động trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), giá rau muống là 7.000-9.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ; rau cải mơ, rau mùng tơi, rau ngót đều 10.000 đồng/mớ, tăng từ 4.000-6.000 đồng/mớ, tùy loại; cải ngồng 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cách đây một tuần, còn nếu so với thời điểm trước đợt mưa to, loại rau này tăng 12.000 đồng/kg; cải chíp cũng tăng 10.000 đồng, lên 25.000 đồng/kg,...

Chị Lê Thị Hằng, chủ một sạp rau tại chợ Đại Từ, cho biết, vừa qua Hà Nội có mưa to, sau đó nắng cũng to làm diện tích rau ngập úng và bị thối nát rất nhiều. Vì thế, rau xanh khan hàng, giá tăng liên tục.

“Tôi đi lấy rau mà thấy mỗi ngày tăng thêm một giá. Nhiều loại rau tăng giá mạnh quá như rau cải mơ, hôm nay tôi không dám lấy vì quá đắt”, chị Hằng nói.

Rau xanh khan hiếm: Hà thành liều mình ăn hàng Tàu - 2

Chị Hà, nhà ở Long Biên, Hà Nội có ít đất để trồng rau. Chị bảo, tuần trước trời mưa to nên rau thối hết, không có hàng để bán. Sáng nay, chị bó vét được 20 mớ cải mơ cuối cùng, đến chợ Bồ Đề để bán lẻ thì tiểu thương mua buôn hết, giá 7.000 đồng/mớ. “Họ mua về bán lại ít cũng 10.000 đồng/mớ”, chị Hà nói.

Giá rau xanh đã rục rịch tăng khoảng 1 tuần nay, song 3 ngày nay thì tăng mạnh. Duy nhất chỉ có các loại củ quả là giá vẫn ổn định, có nhích nhẹ nhưng không đáng kể. Đặc biệt, các mặt hàng rau, củ của Trung Quốc đổ về chợ nhiều hơn, như bắp cải, khoai tây, cà rốt, cà chua, cải thảo, xúp lơ,...

“Rau xanh đắt đỏ nên nhiều người chuyển sang mua rau củ Trung Quốc. Giá các loại rau này ổn định hơn, như bắp cải giá vẫn 14.000 đồng/kg, cải thảo 20.000 đồng/kg, khoai tây 15.000 đồng/kg,...”, chị Hằng cho hay.

Hai ngày nay, chị Hoàng Thùy Dung ở Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai) đành phải mua các loại bắp cải, khoai tây về ăn mặc dù biết đó là hàng Trung Quốc, để tránh thâm hụt vào khoản tiền đi chợ hàng ngày. “Biết là chất lượng rau củ Trung Quốc chưa chắc đã an toàn, hai năm nay không dám mua về ăn. Song, mua các loại rau kia đắt quá, lại còn dập nát, có mua về lúc nhặt cũng bỏ hết nên đánh liều ăn tạm rau củ Trung Quốc”, chị Dung nói.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã rau Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, đợt mưa lớn kết hợp với nắng to vừa rồi khiến diện tích rau bị thiệt hại nặng nề. Toàn hợp tác xã có 250 ha trồng rau nhưng có tới 150 ha bị tàn phá vì mưa lớn rồi nắng to, khiến rau bị ngập úng thối nát rất nhiều. Đặc biệt, với một số loại như cải ngồng, cải mơ, cải ngọt, bầu, mướp,... là thiệt hại nặng nhất do dễ thối hỏng.

“Rau bị thối dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá rau theo đó tăng lên khá cao, có những loại giá đã tăng lên gấp đôi, song, dân vẫn không có rau để mà bán”. Ông Đức nói rằng, để phục hồi diện tích rau phải mất ít nhất từ 20 ngày cho đến 1 tháng, khi đó nguồn cung sẽ ổn định và giá rau mới có thể giảm.

Theo Bảo Hân
VEF

Rau xanh khan hiếm: Hà thành liều mình ăn hàng Tàu - 3