1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Rau củ quả né mác Trung Quốc

Nho Mỹ, cà rốt Hà Nội hay nấm Lào Cai, chỉ là cách gọi tên mà người bán đưa ra để dễ bán hàng khi người dùng có tâm lý e ngại hàng thực phẩm kém chất lượng nhập từ Trung Quốc.

 

Rau củ quả né mác Trung Quốc
Các loại hành, tỏi của Trung Quốc có tép lớn hơn, nhìn đẹp nhưng không thơm bằng hành tỏi trong nước.

 

Dọc xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Cát Lái đến ngã tư Thủ Đức), các xe hàng rong đều bày bán loại nho quả tròn, chín mọng, màu tím nhạt, với bảng niêm yết đề rõ: nho Mỹ, giá 20.000 đồng/nửa ký. Một cô bán hàng gần cầu Cát Lái, quận 9 giải thích rằng, nông dân Mỹ thu hoạch rộ vụ nho, năm nay được mùa, các doanh nghiệp Việt Nam nhập về nhiều nên mới có giá rẻ như vậy.

 

Loại nho trên còn xuất hiện khá nhiều ở các chợ lẻ tại TP.HCM. Các đầu mối nhập khẩu ở chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức cho biết, hàng đêm có hàng chục tấn nho như vậy được các xe container lạnh chở từ Trung Quốc sang đưa về chợ, trước khi đưa về chợ lẻ hoặc bán cho những người bán rong. Giá sỉ mỗi ký nho Trung Quốc tại chợ Tam Bình dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Người bán ở Tam Bình chỉ rõ, nho Mỹ thon, chắc, da tím sẫm chứ không tròn, mọng nước, da tím nhạt, độ ngọt nhẹ như nho đang bán rong. Giá nho Mỹ dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg.

 

Tương tự, một số loại trái cây từ Trung Quốc như táo, lê được người bán lẻ khai mác New Zealand hoặc châu Âu. Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình (quận Thủ Đức) cho biết, táo New Zealand có vỏ đỏ tươi, độ bóng, căng, mọng, còn táo Trung Quốc đỏ nhạt hơn, vỏ không căng mọng. Giá táo New Zealand hiện tại dao động từ 65.000 – 80.000 đồng/kg, gấp đôi giá táo nhập từ Trung Quốc.

 

Một số loại rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc được người bán “khai sinh” thành hàng sản xuất trong nước. Chị Ngọc Hà, đi chợ Rạch Ông (quận 8) được người bán giới thiệu loại cà rốt màu cam nhạt, bóng lưỡng là “cà rốt trồng ngoài miền Bắc đưa vào”. Song cà rốt đất Bắc chỉ có dịp giáp Tết. Tại sạp bán nấm ở chợ Bến Thành, nấm đông cô khô cỡ lớn được người bán giới thiệu là nấm Lào Cai, còn loại nhỏ là nấm Hà Nội. Một khách quen chỉ vào bao đựng nấm Lào Cai, thắc mắc: “Loại nấm này hồi đầu năm chị nói là nấm Trung Quốc, sao bây giờ lại dán nhãn Lào Cai?” Bà chủ cửa hàng giải thích: “Thương lái chở từ phía Lào Cai vào nên gọi là nấm Lào Cai, chứ thực ra cũng là nấm từ Trung Quốc”.

 

Bà Tiên, ngụ ở phường 5 Tân Bình đi chợ Phạm Văn Hai về kể: hành tím – tỏi Trung Quốc củ to như vậy, mà mấy người bán cứ rao lên là hành tỏi miền Trung. “Tui bảo họ từ trước đến giờ ai đi chợ cũng biết là hàng Trung Quốc thì cứ vậy bán đi, sao bây giờ lại thay đổi? Họ bảo làm vậy cho dễ bán”, bà Tiên kể.

 

Việc né xuất xứ Trung Quốc cho các loại rau củ, thực phẩm khô này xuất phát từ tâm lý e ngại sản phẩm không an toàn, hoặc có tẩm chất bảo quản, chất chống mối mọt… ngày càng tăng lên từ phía người tiêu dùng. Một số bà nội trợ có kinh nghiệm, biết rõ là hàng Trung Quốc, đều không mua, cho dù sản phẩm cùng loại như cà rốt, hành, tỏi của Việt Nam đều có giá cao hơn.

 

Bà Nguyễn Thanh Hà (chợ đầu mối Tam Bình) cho biết: “Thời gian gần đây người tiêu dùng bắt đầu lo sợ hàng Trung Quốc không đảm bảo an toàn, vì vậy nên lượng rau củ quả xuất xứ Trung Quốc nhập về chợ giảm 30 – 50% so với trước”. Hiện nay, trung bình mỗi đêm chợ Tam Bình nhập khoảng 1.800 tấn rau củ, trong đó hàng Trung Quốc chiếm 15%. Trái cây nhập từ Trung Quốc mỗi đêm khoảng 75 tấn, chiếm 50% lượng nhập khẩu.

 

Theo Hoàng Bảy - Bích Nga

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm