Làm giàu không khó:
Ra Bắc học nuôi vịt trời, về Nam thu tiền tỷ
(Dân trí) - Luôn tìm tòi, học hỏi với ước muốn làm giàu bằng chính sức lao động của mình, anh Cao Thanh Tuấn ở ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang), đã mạnh dạn đầu tư vào việc chăn nuôi vịt trời. Vì thế, sau mỗi đợt nuôi trừ hết chi phí còn lãi trên nửa tỷ đồng.
Ra Bắc học nghề…
Là một nông dân năng động nhưng vì do thiếu kinh nghiệm trong quá trình lao động khiến việc nuôi cá lóc, ba ba… của anh Tuấn vấp phải thất bại. Tuy nhiên, không vì thế mà anh chùn bước. Với quyết tâm đổi đời, người nông dân này miệt mài tìm hiểu và nghiên cứu để chọn ra một loài vật nuôi phù hợp với điều kiện sẵn có.
Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, anh Tuấn bị cuốn hút bởi mô hình chăn nuôi vịt trời thông qua một diễn đàn Internet của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang. Nhận thấy mô hình này có thể tạo sự đột phá mà không rơi vào cảnh “thừa hàng dội chợ” nên anh Tuấn đã khăn gói từ An Giang ra Bắc Giang học nghề.
Sau khi nắm được một số kiến thức từ loài vật hoang dã này, anh Tuấn tức tốc trở lại quê để gây dựng sự nghiệp. Nhớ lại ngày đầu lập nghiệp của mình, anh Tuấn cho biết: “Cuối năm 2013, sau khi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi vịt ở ngoài đó về tôi gom góp số tiền gần 50 triệu đồng để mua 120 con vịt giống (3,5 tháng tuổi) với giá 300.000 đồng/con. Sau 7 tháng nuôi đàn vịt bắt đầu đẻ trứng…”.
Thời điểm đó, thấy đàn vịt sinh sản nhưng tỉ lệ ấp nở không cao nên anh Tuấn mạnh dạn đầu tư hẳn một máy ấp trứng, với công suất 5.000 trứng/lần để nhân rộng số lượng vịt lên. Vì thế, chỉ hơn nửa năm bỏ công chăm sóc, đàn tổng số vịt đã tăng lên gần 5.000 con.
Đang loay hoay với việc thiết kế chỗ nghỉ mới cho vịt, anh Tuấn chia sẻ: “Vịt trời vốn là giống động vật hoang dã, do vậy sức đề kháng mạnh nên ít bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, cũng như phân lượng thức ăn phù hợp, đàn vịt được chia làm 3 nhóm: vịt con, vịt thương phẩm và vịt đẻ. Muốn cho vịt đẻ sinh sản liên tục thì phải tăng phần ăn nhiều hơn gấp 2, 3 lần bình thường. Ngoài lúa và thức ăn công nghiệp đàn vịt được bổ sung dinh dưỡng bằng lục bình và bèo…
Được biết, để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi thì mới đây anh Tuấn quyết định bỏ ra hơn 40 triệu đồng làm chuồng bằng tre theo dạng sàn giữa hồ nhằm tận dụng lượng phân vịt thải ra để nuôi cá cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh….
… Về Nam thu tiền tỷ
Vịt mới nở sau khi chăn thả khoảng 4 tháng đạt trọng lượng từ 1 – 1,1kg sẽ trở thành vịt thương phẩm và được bán với giá khoảng 200.000 đồng/con. Vì đây là loài vật có chất lượng thịt ngon, ngọt, giàu dinh dưỡng nên được khách hàng ưa chuộng.
Được biết, lứa vịt vừa rồi anh Tuấn xuất chuồng 4.000 con, trừ hết các khoản chi phí anh còn lãi trên 600 triệu đồng. Ngoài việc bán vịt thương phẩm, trang trại còn bán con giống và trứng cho những hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, giá vịt giống mới nở là 50.000 đồng/con, còn đối với trứng là 25.000 đồng/trứng.
Nói về kế hoạch sắp tới, anh Tuấn chia sẻ thêm: “Tuy là loài vật hoang dã nhưng vịt trời không bay xa vì đã quen đàn, dễ nuôi, lượng thức ăn ít hơn khoảng 40% so với những giống vịt khác. Vì thế trong thời gian sắp tới, cơ sở sẽ cho đàn vịt sinh sản liên tục với hệ thống lò ấp hiện đại nhằm đáp ứng phần nào đó nguồn con giống cho nông dân ở một số tỉnh miền Tây”.
Ngoài nuôi vịt trời, trang trại anh Tuấn còn sản xuất cá lóc giống với 2.000 cặp cá bố mẹ đem về nguồn lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Giờ đây, anh Tuấn đang triển khai mô hình tổng hợp bằng việc dùng hồ nước rộng 8.000 m2 để nuôi vịt trời, cá lóc, cá hô nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn trong quá trình chăn nuôi.
Ông Võ Duy Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cần Đăng cho biết: “Anh Cao Thanh Tuấn là một trong những nông sản xuất giỏi và đi đầu trong quá trình chăn nuôi tại địa phương. Với mô hình nuôi vịt trời đã cho thấy hiệu quả khá cao và là một trong những mô hình để bà con trong vùng đến tham quan, học hỏi. Nếu trong thời gian tới có nhiều hộ chăn nuôi vịt trời địa phương sẽ thành lập Hợp tác xã nhằm phân kì thời gian nuôi sao cho hợp lý để tránh tình trạng cung vượt cầu…”.
Nguyễn Hành – Nguyễn Trần