1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quy hoạch đô thị: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, chung cư ở đó”

Các vụ hỏa hoạn ở đô thị bị thiệt hại nặng nề do quy hoạch đô thị bị điều chỉnh liên tục khiến phố đã nhỏ lại càng nhỏ hơn.

“Với công tác quy hoạch và cấp phép thế này thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng không thể quản lý được tình trạng xây dựng lôm nhôm, mất mỹ quan và ảnh hưởng đến cuộc sống an toàn của người dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quy hoạch và cấp phép xây dựng, mặc dù theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì công tác quản lý xây dựng đã… đi vào nề nếp.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng 

 

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, sau 10 năm thi hành Luật Xây dựng (năm 2003), cả nước đã phê duyệt được 765/765 quy hoạch đô thị.

 

Hàng năm có hàng vạn công trình được xây dựng, riêng năm 2012 toàn quốc có khoảng 51.600 công trình xây dựng được khởi công. Về cơ bản, các công trình xây dựng đã được nghiệm thu bảo đảm chất lượng, phù hợp với công năng và yêu cầu thiết kế. Số lượng công trình xảy ra sự cố không nhiều, chỉ chiếm khoảng 0,08%, trong số đó chủ yếu là công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, triển khai Luật Xây dựng, ngành xây dựng đã quán triệt chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy phép bằng việc hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch hơn các thủ tục, quy trình cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình và nhà ở riêng lẻ, nên đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép xây dựng.

 

“Giấy phép xây dựng chính là công cụ hữu hiệu để các cơ quan nhà nước quản lý trật tự xây dựng. Quy định cấp giấy phép xây dựng theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã góp phần nâng cao chất lượng kiến trúc, cảnh quan đô thị”, ông Dũng phát biểu.

 

Tuy nhiên, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi vào chiều nay (ngày 23/9/2013), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với quy hoạch và cấp phép xây dựng như hiện nay thì các đô thị Việt Nam còn lâu mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, thậm chí đang gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

 

“Trật tự xây dựng tại đô thị làm sao có thể nói là đã đi vào nề nếp khi mà nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn liên tiếp mọc lên. Thậm chí chung cư mini tại các trung tâm đô thị vẫn được xây dựng mà chưa có hướng xử lý thì làm sao có thể nói trật tự xây dựng đã đi vào nề nếp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề.

 

Trước thực trạng này, ông Hiển đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc quy hoạch và quản lý xây dựng tại đô thị.

 

Theo ông Hiển, quy hoạch cần phải ổn định lâu dài, nhưng với tâm lý “tân quan tân chính sách” khiến quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch chi tiết cứ 2 - 3 năm lại điều chỉnh một lần thì làm sao đô thị có thể ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

 

“Luật Xây dựng sửa đổi phải gắn chặt chế tài xử lý tổ chức, cá nhân trong việc gây mất mỹ quan đô thị trong công tác xây dựng và phê duyệt quy hoạch đô thị”, ông Hiển để xuất.

 

Trước thực trạng nhiều vụ cháy lớn ở khu đô thị, trung tâm thương mại… xảy ra khắp nơi, nhưng xe cứu hỏa không thể tiếp cận với hiện trường, các công trình bị hỏa hoạn không có phương tiện phòng cháy, chữa cháy, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà thầu và người xây dựng, ban hành quy hoạch.

 

Ông Lưu bày tỏ quan điểm bất bình trước thực trạng công trình cầu, đường mới đưa vào sử dụng đã bị rạn nứt, thảm họa cháy nổ xảy ra nhưng cơ quan phòng cháy chữa cháy không thể xử lý kịp thời vì không thể tiếp cận ngay với hiện trường do “phố nhỏ, ngõ nhỏ, chung cư ở đó”.

 

“Ai cấp phép xây dựng dự án từ 10 tầng lên 13 tầng, 15 tầng, đến khi gặp sự cố, gặp hỏa hoạn không thể cứu chữa được thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Lưu nhấn mạnh.

 

“Không chỉ có ông cấp phép xây dựng trái quy hoạch phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý khi công trình gặp sự cố, mà cả ông phê duyệt quy hoạch cũng phải chịu trách nhiệm nếu công trình bị hỏa hoạn nhưng xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường do quy hoạch bị biến dạng”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đồng tình.

 

Ông Hùng cho rằng, người cấp phép xây dựng chắc chắn biết trước sự nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nếu vẫn cấp phép xây nhà 5 - 6 tầng trên diện tích 5 - 6 m2, cấp phép xây dựng cho công trình đáng lẽ chỉ được xây dựng 7 - 8 tầng 13 - 14 tầng. Vì vậy, phải xử lý thật nghiêm minh đối với trường hợp cấp phép xây dựng này.

 

“Quan trọng nhất trong quản lý xây dựng là quy hoạch và cấp phép xây dựng", ông Hùng nói - "Nếu hai vấn đề này mà không giải quyết được thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng không thể quản lý được tình trạng mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

 

Theo Mạnh Bôn

Đầu tư