1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quốc hội yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm về ngân sách

(Dân trí) - Quốc hội giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Sáng nay 20/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 với đa số phiếu tán thành.

Phân bổ vốn đầu tư dàn trải

Theo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nuớc năm 2011 theo quy định; Chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1201/BC-UBTCNS13 ngày 15/5/2013 của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, kết luận, kiến nghị tại Báo cáo kiểm toán số 145/BC-KTNN ngày 26/4/2013 của Kiểm toán Nhà nước.

Đặc biệt, Quốc hội giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển (ảnh: Việt Hưng).

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày sáng nay phản ánh ý kiến cho rằng: Trong năm 2011, công tác xây dựng dự toán chưa sát với thực tế, phân bổ và giao dự toán chậm, vốn đầu tư bố trí dàn trải, giải ngân chậm, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản lớn.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 đã có tiến bộ so với những năm trước đây, chất lượng dự toán từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, việc thu NSNN tăng cao so với dự toán thể hiện công tác xây dựng dự toán còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng tới điều hành NSNN.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tình trạng phân bổ và giao dự toán chậm, giao không hết dự toán chi ngay từ đầu năm vẫn xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong việc phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua kết quả thanh tra, kiểm toán và giám sát về NSNN năm 2011 cũng cho thấy, tình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quyết định dự án không đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn, bố trí vốn đầu tư chưa đúng nguồn, giải ngân chậm, nợ đọng khối lượng hoàn thành lớn... vẫn diễn ra. Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp và đã từng bước khắc phục tình trạng này.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, xây dựng dự toán thu, chi NSNN có chất lượng hơn, phân giao dự toán kịp thời theo quy định, nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng.

Chi chuyển nguồn lớn, giảm hiểu quả sử dụng ngân sách

Về chi chuyển nguồn, có ý kiến cho rằng, số chi chuyển nguồn lớn, có xu hướng gia tăng làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012 là 246.690 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng chi NSNN và tiếp tục tăng cao so với các năm trước, số chi chuyển nguồn do triển khai chậm năm 2011 tuy có giảm về số tương đối so với tổng chi NSNN nhưng vẫn tăng về số tuyệt đối.

Mặc dù chi chuyển nguồn được thực hiện theo quy định của Luật NSNN, song chi chuyển nguồn lớn và tăng cao trong điều kiện NSNN vẫn bội chi, phải đi vay để bù đắp thể hiện hiệu quả sử dụng NSNN còn chưa cao.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, điều hành NSNN để giảm dần tình trạng chi chuyển nguồn lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật NSNN để khắc phục tồn tại trên.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đến ngày 31/12/2012, kết quả thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với niên độ ngân sách 2010 đã tích cực hơn năm trước nhưng mới chỉ đạt 71,62%.

Còn theo báo cáo của Chính phủ, số liệu cập nhật đến ngày 06/5/2013, tổng số kiến nghị liên quan đến NSNN (không bao gồm các kiến nghị xử lý tài chính khác) là 4.966 tỷ đồng, đã thực hiện 4.092 tỷ đồng, đạt 82,4% số kiến nghị. Số còn lại chủ yếu liên quan đến thu hồi nộp ngân sách phải trừ dần vào thu nhập của đơn vị, cá nhân theo quy định, nhất là thu hồi từ các dự án đầu tư và một số kiến nghị cần có thời gian rà soát, kiểm tra để xử lý theo quy định.

 

 Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011:

- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 962.982 tỷ đồng (chín trăm sáu mươi hai nghìn, chín trăm tám mươi hai tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng (một triệu, không trăm ba mươi tư nghìn, hai trăm bốn mươi tư tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012.

- Bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng (một trăm mười hai nghìn, không trăm ba mươi tư tỷ đồng), bằng 4,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.

 

Nguyễn Hiền