1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quay lại giữ vàng

Thói quen cất trữ vàng, đầu tư vào vàng để bảo toàn vốn, để sinh lợi đang quay trở lại trong đời sống. Và điều này đang mở ra các cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng, các công ty chuyên doanh ngoại tệ, vàng bạc…

Giao dịch bằng vàng tăng gần 10 lần

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á nhận xét: “Đầu tư vào vàng đang trở lại vị trí đứng đầu”. Và bà chứng minh qua mức tiêu thụ vàng tăng kỷ lục: trong bốn tháng đầu năm, gần 50 tấn vàng nhập về.

Số liệu thống kê từ ngân hàng ACB về khối lượng giao dịch bằng vàng của các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam và cả trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn, được ông Huỳnh Trung Khánh, đại diện hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, công bố: ngày cao điểm, tổng khối lượng giao dịch là 500.000 lượng vàng miếng, tương đương với 19 tấn/ngày, so con số 13 tấn/ngày cao điểm của sàn giao dịch vàng Thượng Hải (một trong các sàn giao dịch vàng lớn trên thế giới đặt tại Trung Quốc). Nhu cầu giao dịch về vàng đã tăng gần 10 lần so năm 2007 (trên dưới 2 tấn/ngày).

Các chuyên gia của hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích: “Trước nay người Việt Nam vẫn mê tích trữ vàng, chẳng qua khi các cơn sốt trong các kênh đầu tư vào nhà cửa, đất đai, cổ phiếu… nổi lên, đã đẩy nhu cầu này xuống, và bây giờ nó đang trồi lên”.

Các chuyên gia ước tính, khối lượng vàng đang cất trữ trong dân ít nhất cũng trên 500 tấn (dựa trên lượng vàng nhập vào thị trường trong vòng 10 năm trở lại đây), tính theo thời giá vào khoảng 15 tỉ USD (240.000 tỉ đồng).

Bà Xuyến khẳng định: “thị trường kinh doanh vàng với tất cả các yếu tố cần thiết đều đã có, nhưng đang cần các công cụ phát sinh để đảm bảo cho các nhu cầu giao dịch và hỗ trợ thị trường phát triển”.

Khai thác thị trường

Trong vòng chỉ hơn một tháng, số lượng tài khoản của các nhà đầu tư mở tại sàn giao dịch vàng Sài Gòn của ngân hàng ACB đã tăng gần gấp đôi, lên 3.500 - 3.700 tài khoản. Số lượng vàng giao dịch mỗi ngày dao động từ 200.000 - 400.000 lượng, tổng giá trị giao dịch từ 4.000 - 7.000 tỉ đồng/ngày.

Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cho rằng, có 95% người lên sàn giao dịch vàng là nhằm mục đích kinh doanh. Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị thành lập sàn giao dịch vàng. Ít nhất sẽ có bốn sàn giao dịch vàng mới ra đời.

Đó là các sàn của ngân hàng Sacombank, sàn của ngân hàng Việt Á, sàn của công ty SJC phối hợp với công ty chứng khoán Hà Thành, công ty chứng khoán SJC và ngân hàng Eximbank và sàn giao dịch vàng do ngân hàng Đông Á, công ty PNJ và công ty Intergold phối hợp dự kiến hoạt động trong tháng 5/2008 này.

Ngoài ra, hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam lên kế hoạch sẽ thành lập hai trung tâm giao dịch vàng tại Hà Nội và TPHCM vào cuối năm nay.

Dù khi tham gia sàn giao dịch vàng hiện nay, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 7% giá trị giao dịch trước khi đặt lệnh, 93% còn lại do ngân hàng hỗ trợ, nhưng khoản tiền này vẫn không rời khỏi sàn nên các ngân hàng thương mại cổ phần không lo lắng về tình trạng thiếu vốn.

Khoản lợi nhuận từ việc tổ chức sàn lại khá hấp dẫn, với mỗi lượng vàng mua vào, bán ra thu phí 4.000 đồng, tính trên tổng lượng vàng giao dịch trong ngày vài trăm ngàn lượng là con số không nhỏ.

Theo Bích Thảo
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm