"Quay đầu" giảm mạnh, giá vàng vẫn trụ vững mốc cao
(Dân trí) - Phiên giao dịch sáng nay 2/7, giá vàng SJC được doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh gần 300.000 đồng/lượng, xuống mức 49,5 triệu đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 2/7, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 49,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 49,55 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 49,36 triệu đồng/lượng - 49,54 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Các mức giá này giảm mỗi chiều 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC giao dịch ở mức 49,2 triệu đồng/lượng - 49,58 triệu đồng/lượng, giảm mạnh mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 270.000 đồng/lượng.
Dù điều chỉnh giảm mạnh gần 300.000 đồng/lượng, nhưng giá vàng SJC vẫn giữ ở mốc cao 49,5 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 49,5 triệu đồng/lượng - 49,7 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM ở mức 49,45 triệu đồng/lượng - 49,85 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ giảm 2,3 USD, giao dịch ở mức 1.768 USD/ounce; vàng giao tháng 8 giảm 0,29% xuống 1.795 USD.
Giá vàng hạ nhiệt sau phiên tăng mạnh ngày hôm qua. Hôm qua, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng đột biến làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế từ đại dịch, thúc đẩy nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, tính đến sáng nay 2/7, thế giới ghi nhận gần 10,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 518.000 người đã tử vong.
Tại Mỹ, số ca mắc đã xấp xỉ 2,8 triệu người, trong đó hơn 130.000 người đã tử vong. Số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ liên tiếp lập kỷ lục xấp xỉ 50.000 ca/ngày khiến nhiều bang hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa, áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa.
Tại Brazil, số người chết vì Covid-19 đã vượt mốc 60.000 người, trong khi số ca mắc gần chạm 1,5 triệu người...
WHO cho rằng, một chiến lược ứng phó toàn diện là cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, dịch Covid-19 tại nhiều nước vẫn còn rất nghiêm trọng và "nhiều nước vẫn chưa tận dụng tất cả công cụ sẵn có để ứng phó dịch".
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business ngày 1/7, Tổng thống Trump cho biết ông lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sau khoảng thời gian đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Ông chủ Nhà Trắng đề cập tới những số liệu tích cực gần đây về việc làm và doanh thu bán lẻ.
“Tôi nghĩ chúng ta đang quay trở lại theo cách rất mạnh mẽ. Và tôi nghĩ chúng ta vẫn ứng phó tốt với virus corona. Tôi cho rằng ở một thời điểm nào đó virus sẽ biến mất. Tôi hy vọng như vậy”, ông Trump nói.
Nhiều tổ chức tài chính cho rằng, giá vàng còn tiếp tục tăng trong dài hạn, nhất là khi đã vượt qua ngưỡng cản quan trọng như 1.750 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 thậm chí đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Theo đó, các tổ chức lớn không ngừng mua vàng vào trong thời gian gần đây. Điển hình là quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng tăng 211,9 tấn vàng, tương đương gần 22%, trong quý II năm nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỷ USD. Theo đại diện IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và bằng một nửa so với mức giảm 10% trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930.
Những nơi trú ẩn an toàn đã nhanh chóng được chú ý do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng kinh tế thế giới. Một trong những “điểm đến” thu hút các nhà đầu tư nhiều nhất đó là vàng.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu giá vàng đạt được 1.800 USD/ounce thì đây sẽ là mức rất có ý nghĩa; bởi vì sau khi vàng đạt đỉnh vào tháng 9/2011 ở mức 1.921,17 USD/ounce, giá vàng đã có lúc lên tới xấp xỉ 1.800 USD/ounce ba lần nhưng vẫn không thể trụ vững được.
An Hạ