Quất Tứ Liên chết nhiều, đào Nhật Tân chưa hé nụ

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng nhiều người trồng quất ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội lại đang khóc ròng bởi tỷ lệ quất chết quá nhiều.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Những cây quất còn nguyên rễ, quả chín vàng chết héo khô nằm chất đống ở ven đường đê. Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên là thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội trong dịp Tết, nhưng đến thời điểm này người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào thời tiết với tỷ lệ được mùa 50/50.5 năm qua, đây là năm mà quất Tết Tứ Liên chết nhiều như vậy.

Sáng 16/12, có mặt ở khu vực ngoài bãi sông Hồng đoạn phường Tứ Liên, nhìn những đống quất cảnh bung rễ chết héo khô bên vệ đường mà thấy xót ruột. Chủ vườn quất Hải than thở: "Giá nó chết từ lúc mới trồng thì còn đỡ, đằng này gần đến ngày thu hoạch mới lăn ra chết". Anh Hải chỉ cho tôi cây quất thế cao hơn 2m quả chín vàng ươm và bảo: "Cây này đang chết quả mới vàng như thế. Tiền mua giống là 800 nghìn, chăm bẵm gần 1 năm nay tổng cộng mất hơn 1 triệu rồi".

Tiếc của, tiếc công, anh Hải cố gắng khắc phục nhưng không ăn thua. "Rễ của nó hỏng hết, tổng cộng hơn 20 cây bị chết phải nhổ vứt đi" - anh Hải xót xa than. Theo anh thì nguyên nhân khiến quất của gia đình anh và bà con ở Tứ Liên chết nhiều là do đợt mưa tháng 7, tháng 8 năm nay làm cho những gốc quất úng nước, chỗ nào tiêu thoát nhanh thì không sao, chỗ nào úng lâu rễ bị hỏng hết. Và khi thời tiết rét, gió lạnh như hiện nay thì nó héo rũ, rụng quả.

Cây quất cảnh bạc triệu của anh Hải đang bị thối rễ và chết dần.
Cây quất cảnh bạc triệu của anh Hải đang bị thối rễ và chết dần. 

Để đầu tư cho vườn quất, mỗi gia đình ở Tứ Liên phải bỏ ra ít thì hơn 100 triệu, nhiều vài trăm triệu vì có những cây giống lên tới vài triệu đồng. "Làm nghề này như đánh bạc, tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết. Còn hơn 2 tháng nữa cũng chưa biết thế nào" – chị Nga đang tưới nước cho vườn quất của gia đình ở trong bãi Tứ Liên cho biết. "Giá quất cảnh Tết năm nay có ảnh hưởng bởi tỷ lệ quất chết nhiều hay không?" - tôi hỏi. "Cái đó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của người dân. Năm nay mà được thưởng nhiều thì người dân mới mua nhiều, cây đắt tiền mới bán được" - chị Nga chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, chưa vườn quất nào có khách đặt mua vì vẫn còn sớm. Theo vườn quất Trọng thì khoảng 1 tháng nữa mới có khách và chủ yếu là khách quen gọi điện đặt trước, nhà vườn chọn và họ chỉ lên xem. Để bảo quản quất đẹp vào đúng dịp Tết, các nhà vườn ngoài chăm bón kỹ lưỡng còn sử dụng thuốc để kích thích quất nở đúng Tết hoặc hãm khi quất nở sớm. Ngay cả thời gian này, có cây quất đang trổ hoa rất đẹp nhưng cũng được nhà vườn bứt đi để cây ra hoa đợt mới đúng vào Tết.

Cánh đồng đào Nhật Tân cả trong và ngoài bãi những ngày này đều một màu xám vì người dân vừa xong công đoạn tuốt lá. "Bây giờ còn quá sớm để nói năm nay có được mùa hay không, tất cả ăn thua vào 10 ngày giáp Tết" – anh Vĩnh, chủ vườn đào Vĩnh Thúy ở Nhật Tân cho biết. 

Thắc mắc vì sao bây giờ mới tuốt lá, chị Thúy (vợ anh Vĩnh) giải thích: tùy giống đào mà tuốt lá sớm hay muộn. Nhà anh chị có hơn 100 gốc đào phai, trừ công chăm sóc, tiền đầu tư cây giống, phân bón, nếu không mất mùa thì Tết này họ cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Do thời tiết vào đầu tháng 10 âm lịch nóng, khi "vào chậu" đào đã bị vàng lá và rụng nhiều. Nhưng nếu thời tiết cứ như mấy hôm nay thì đào sẽ phát triển ổn định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết nhưng những vườn đào có tiếng ở Nhật Tân như Lan đào, Tuấn Việt đã có khách cơ quan, công sở đặt mua. Đây đều là khách "ruột" của nhà vườn, ngay từ khi chọn giống nhà vườn đã phải lựa thế cây, loại đào theo từng nhu cầu của khách.

Theo Quỳnh Anh
Công An Nhân dân
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”