Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán

Đăng Đức

(Dân trí) - Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng nhiều chợ tại Quảng Trị vẫn thưa thớt người vào mua bán, thậm chí bỏ không nhiều năm, gây lãng phí.

Chợ Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) được đầu tư năm 2017, với tổng kinh phí xây dựng 3,9 tỷ đồng. Hoàn thành cuối năm 2019 nhưng đến nay chợ chưa đi vào hoạt động. Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt đấu giá nhưng chỉ có 5/60 lô, quầy được đấu giá thành công. 

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 1

Chợ Gio Mai từ khi hoàn thành đến nay không có người vào mua bán.

Nằm trên trục đường xuyên Á, chợ Mai Xá được xây dựng khang trang, sạch đẹp, nhưng không có người vào mua bán. Trong khi đó, tiểu thương kinh doanh ở khu chợ tạm.

Theo nhiều tiểu thương, người dân chủ yếu buôn bán mặt hàng nhỏ lẻ, lượng hàng hóa tiêu thụ không lớn, thời gian họp chợ ngắn nên mức thu nhập thấp. Hơn nữa, bà con không đủ điều kiện trả kinh phí đấu giá một lần cho 10 năm hoạt động (dao động 14 - 20 triệu đồng/lô, quầy). Tiểu thương đề nghị chính quyền giảm tiền đấu giá lô, quầy và cho nộp tiền thuê theo tháng, quý hoặc năm.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 2

Chợ được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Theo ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai, huyện Gio Linh, UBND xã đã tổ chức nhiều lần họp dân nhưng tiểu thương cho rằng mức đấu giá lô, quầy cao, bà con không đủ điều kiện nộp một lần.

"Chính quyền đã tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư của bà con tiểu thương. Đồng thời, xã có đề xuất UBND huyện Gio Linh có phương án điều chỉnh giảm mức giá so với giá khởi điểm ban đầu cho từng lô, quầy; đồng thời cho tiểu thương nộp tiền đấu giá lô, quầy 2 lần để đỡ áp lực", ông Lương nói.

Thực trạng trên cũng diễn ra ở chợ Trung tâm xã Triệu Đông, nay sáp nhập thành xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong). Chợ được hoàn thiện năm 2018 với mức đầu tư 3,3 tỷ đồng, quy mô 33 lô ki ốt và quầy.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 3

Bên trong chợ Trung tâm xã Triệu Đông không có người mua bán.

Năm 2019, sau 3 lần chính quyền xã Triệu Đông tổ chức đấu giá, có 20/33 lô, quầy được đấu giá thành công. Tuy nhiên, hiện chợ này chỉ có một tiểu thương buôn bán. Trong khi đó, những tiểu thương khác dựng lều bạt bày bán ở khu vực phía ngoài đường.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 4

Bà con chuyển ra khu chợ tạm bên cạnh vì cho rằng thuận tiện hơn.

Bà Hoàng Thị Hường - người duy nhất bán ở chợ này cho biết: "Bán ở chợ mới không có khách vào mua nên bà con phải bán ở chợ tạm vì tiện đường hơn".

Nguyên nhân chợ này không đi vào hoạt động là do trên địa bàn này đang tồn tại 2 chợ tạm. Trong đó, chợ tạm thôn Bích La Đông có gần 100 tiểu thương buôn bán, chợ tạm thôn Nại Cửu (ngay trước mặt chợ Trung tâm xã Triệu Đông cũ) có hơn 30 tiểu thương.

Chợ đêm Phường 3 (Phường 3, thành phố Đông Hà) có diện tích xây dựng trên 3.400 m2 , quy mô 200 lô, quầy với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 5

Chợ Phường 3, thành phố Đông Hà chỉ hoạt động được thời gian ngắn.

Tháng 9/2018, chợ được bàn giao đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì chợ lâm vào cảnh ế ẩm, tiểu thương dần rời bỏ. Những năm gần đây, khu chợ này không có người vào mua bán.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa qua Sở kiểm tra các chợ, phối hợp với các huyện báo cáo tình hình và hiện trạng, cơ sở hạ tầng, hiệu quả hoạt động cũng như các chợ xây dựng rồi nhưng không hoạt động, gây lãng phí đầu tư của nhà nước.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 6

Thiết bị chữa cháy có dấu hiệu bị xuống cấp.

Quảng Trị: Hàng loạt chợ đầu tư tiền tỷ, không người vào mua bán - 7

Người dân tận dụng mặt bằng chợ Triệu Đông để chứa chất đốt.

Đối với 2 chợ Triệu Đông và chợ Gio Mai, bà con không vào chợ mới buôn bán mà vẫn bán ở chợ tạm do mức phí thấp, còn vào chợ mới mức giá cao hơn, khiến bà con khó khăn.

"Vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với các huyện đánh giá lại hiện trạng các chợ, tới đây sẽ quyết liệt xóa chợ tạm. Chúng tôi đề nghị với huyện, trong quá trình vận động bà con vào buôn bán ở chợ mới, cần xem xét mức giá hợp lý, có chính sách miễn giảm để tạo được sự đồng thuận với các tiểu thương. Bên cạnh đó, huyện cần có chính sách phù hợp để đảm bảo an sinh cho bà con", ông Dũng nói.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát lại các chợ hoạt động kém hiệu quả, để phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt. Tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo, đảm bảo chợ nông thôn phát triển. Về việc bố trí vốn xây dựng chợ phải đảm bảo sự đồng thuận trong bà con, hình thành chợ liên vùng, hợp với các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các điểm thương mại, dịch vụ, cửa hàng tiện lợi để bà con mua sắm.