Quảng Nam hụt thu hàng trăm tỉ đồng do tiêu thụ ô tô khó khăn
(Dân trí) - Trong11 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Nam thu ngân sách nhà nước đạt 20.145 tỉ đồng (đạt 87% dự toán), ước thu cả năm 2019 là 22.711 tỉ (đạt 98,1% dự toán), giảm 3,4% so với năm 2018. Như vậy, ngân sách tỉnh ước hụt thu trên 430 tỉ đồng so với dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 được HĐND tỉnh thông qua là 23.144 tỷ đồng.
Trong 3 ngày từ 16-18/12, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam đã báo cáo tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Quảng Nam ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 22.771 tỉ (đạt 98,1% dự toán), giảm 3,4% so với 2018.
Theo báo cáo, nguyên nhân dẫn đến thu ngân sách không đạt dự toán chủ yếu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước Trung ương.
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 79,6% dự toán, giảm 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu từ Tập đoàn ô tô Trường Hải ảnh hướng lớn đến nguồn thu này.
Trong năm 2019, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã hoàn thành các thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Ô tô nhập khẩu tăng mạnh, sự cạnh tranh quyết liệt của các hãng xe trong nước dẫn đến sản lượng tiêu thụ ô tô du lịch của Công ty CP ô tô Trường Hải giảm dần.
Do đó, số thu của các Công ty thuộc Tập đoàn Trường Hải chỉ đạt 75,3% dự toán, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Ước tổng thu của cả tập đoàn Trường Hải nộp ngân sách trong năm này là 9.285 tỉ (87,3% dự toán), dự báo hụt lên đến 1.354 tỉ.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước Trung ương cũng giảm mạnh. Nguyên nhân được xác định là do trong năm 2018 và 2019, thời tiết khô hạn kéo dài, các nhà máy thủy điện không đủ nước phát điện theo công suất thiết kế. Do đó, ước thu chỉ đạt 350 tỉ, đạt 58% dự toán.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc hụt thu và các giải pháp tăng thu trong năm 2020 cũng như các năm tiếp theo, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho hay, trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ tăng trưởng khoảng 3,81%; đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong thời gian vừa qua.
Nguyên nhân chính, theo ông Lê Trí Thanh là do nền kinh tế của tỉnh phụ thuộc vào ngành công nghiệp ô tô, do đó 1% ngành ô tô tăng trưởng hoặc giảm đều tác động đến các ngành khác; và các ngành khác như nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng không thể bù đắp lại sự suy giảm của ngành ô tô, kể cả về giá trị sản xuất và nguồn thu.
Năm 2019 do ảnh hưởng của tiêu thụ ô tô do đó đã tác động lớn đến việc suy giảm tốc độ GRDP trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh.
Để giải quyết vấn đề này trong năm 2020, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, lãnh đạo tỉnh đã nhận định được tình này này và đã tích cực làm việc, hướng đến cơ cấu nguồn thu, không phụ thuộc quá lớn vào ngành ô tô.
Năm 2015, nguồn thu từ ngành ô tô của Quảng Nam chiếm đến 70% nguồn thu nội địa, đến năm 2019 này nguồn thu này chiếm xấp xỉ 50%, dự báo trong những năm tới nguồn thu này sẽ tiếp tục giảm xuống khi các ngành công nghiệp, dịch vụ khác của tỉnh tăng lên.
Theo ông Lê Trí Thanh, trước mắt trong năm 2020, các ngành công nghiệp có thể tham gia bù đắp vào nguồn hụt thu là 3 nhà máy thủy điện đưa vào vận hành sẽ đóng góp một phần tăng trưởng; thứ 2 là các nhà máy trong thời gian vừa qua có những khó khăn nhất định như Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hiện nay đã được cơ cấu lại, sẽ sản xuất trong năm 2020; một số các nhà máy khác ở các khu, cụm công nghiệp bị vướng giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ…
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng cho hay, trong năm tới có ít nhất 5 dự án FDI và 11 dự án đầu tư trong nước sẽ được triển khai… Ngoài ra, lĩnh vực du lịch dịch vụ như các dự án du lịch tiêu chuẩn 5 sao trở lên sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2020 như dự án Nam Hội An sẽ đóng góp khoảng 700 tỉ cho ngân sách tỉnh.
Có nhiều dự án du lịch lớn khác cũng sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020, góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh, giảm tình hình hụt thu vì quá phụ thuộc và ngành sản xuất ô tô do ngành này đang cạnh tranh rất khốc liệt.
Công Bính