Quảng Nam “bấm nút” thông qua 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ

(Dân trí) - Sáng nay 19/7, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã “bấm nút” thông qua việc xây dựng 4 thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Nam Trà My mà trước đó UBND tỉnh đã đề nghị.

Còn nhiều ý kiến băn khoăn

Theo tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh về việc “quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh” bổ sung 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My gồm: Thủy điện Trà Linh 1, thủy điện Tăk Lê, thủy điện Nước Lah và thủy điện Trà Leng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam – giải trình về 4 thủy điện vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam – giải trình về 4 thủy điện vừa và nhỏ

Tổng công suất 4 dự án nhà máy thủy điện này gần 80 MW; tổng diện tích đất hơn 140 ha. Trong đó, đất lâm nghiệp hơn 60 ha. Một số ý kiến bày tỏ không đồng tình về việc xây dựng 4 nhà máy thủy điện này ở huyện vùng cao, nơi cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào đất rừng.

Trong khi lãnh đạo Sở Công Thương và chính quyền huyện Nam Trà My bày tỏ “quyết tâm cao” về việc xây dựng 4 dự án thủy điện này thì một số ý kiến khác cho rằng, bất kỳ dự án thủy điện nào cũng tác động đến môi trường, đất rừng và đời sống của người dân. Chưa nói cả 4 dự án này được triển khai tại 1 huyện, đầu nguồn của thủy điện Sông Tranh 2.

Tại phiên thảo luận ở tổ, bà Lê Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam - cho rằng, việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện là không cần thiết và chưa tính đến vấn đề hệ lụy sâu xa. Bà Thủy cho rằng, chưa thấy tỉnh nào quá nhiều thủy điện như Quảng Nam hiện nay.

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My - giải trình thêm về 4 thủy điện
Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My - giải trình thêm về 4 thủy điện

Cũng theo bà Thủy, diện tích rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của đồng bào miền núi vốn gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng.

Trao đổi với các PV bên lề kỳ họp, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam - cho rằng, không thể khẳng định 4 dự án thủy điện này không gây tác hại gì cả. Bất kỳ thủy điện nào cũng gây tác hại cả, vấn đề ở chỗ lãnh đạo tỉnh cần phải tĩnh tâm lựa chọn, xem xét chứ còn nói thủy điện mà không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến sinh thái, không ảnh hưởng đến dòng chảy là vô lý...

Ngành Công Thương và địa phương ủng hộ

Phát biểu giải trình với các đại biểu HĐND, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam - cho biết, trước năm 2010, tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 58 dự án thủy điện. Trong đó có 48 dự án thủy điện vừa và nhỏ, 10 thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu với các địa biểu
Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu với các địa biểu

Trong quá trình rà soát, tỉnh Quảng Nam lựa chọn 34 dự án thủy điện khả thi để triển khai. Sau đó tỉnh tiếp tục loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn lại 30 dự án.

Ông Thử cho rằng, việc bổ sung vào quy hoạch 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My là phù hợp với chủ trương và nghị quyết của Tỉnh ủy về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Nam cũng cho rằng, quy mô thủy điện vừa và nhỏ ở tỉnh Quảng Nam hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 1/3 so với “tiềm năng sẵn có” của tỉnh.

Ông Thử cho hay, các địa phương đã trình lên tỉnh 18 dự án thủy điện nhưng tỉnh chỉ lựa chọn 4 dự án ở huyện Nam Trà My vì xét thấy cần thiết, các dự án thủy điện này không tác động đến môi trường, môi sinh…

“Chúng ta băn khoăn khi nói về thủy điện nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng, không phải thủy điện nào cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Bản chất thủy điện không phải vậy, bản chất thủy điện là năng lượng tái tạo sạch chứ không phải thế này, thế kia. Qua đề nghị của huyện về 4 dự án này; thứ nhất là đất rừng, thứ 2 là tái định canh định cư, thứ 3 là hồ chứa ảnh hưởng đến hạ du. 3 điều kiện này với 4 thủy điện của Nam Trà My là thỏa mãn”, ông Thử phát biểu.

Địa bàn miền núi Nam Trà My thường xuyên ách tắc khi mưa bão. Nguồn điện cung cấp cũng không ổn định để phát triển kinh tế xã hội của huyện
Địa bàn miền núi Nam Trà My thường xuyên ách tắc khi mưa bão. Nguồn điện cung cấp cũng không ổn định để phát triển kinh tế xã hội của huyện

Trao đổi với PV Dân trí bên lề kỳ họp, ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My – cho biết, 4 dự án thủy điện này không có hộ dân nào sinh sống, không chiếm diện tích rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ, không giải phóng mặt bằng. Quan trọng đây là những thủy điện thế năng.

“Các nhà máy này được địa phương và ngành chức năng tính toán là công suất không lớn. Hơn nữa, độ cao của khu vực đặt nhà máy cũng như dòng chảy không ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như các yêu cầu nước ở hạ du. Toàn bộ nước đều chảy về sông Tranh 2, không ảnh hưởng cho hạ du”, ông Bửu cho biết.

Bên cạnh đó, việc bổ sung 4 thủy điện này nhằm huy động nguồn vốn nhà đầu tư để đầu tư đường dây 110 kV trên địa bàn huyện, qua đó đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện có chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My.

“Trong khi đó, tại đây là vùng sản xuất sâm Ngọc Linh và cây dược liệu theo định hướng của tỉnh. Hiện Sâm đang phát triển và tỉnh đã đồng ý cho xây dựng cụm công nghiệp tại Nam Trà My, nếu không có điện thì làm sao sản xuất, làm sao phát triển công nghiệp được? Hiện một số nhà đầu tư lớn cũng đã tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa bàn huyện”, ông Bửu nói thêm.

Ông Bửu cũng tâm sự thêm, ở huyện Nam Trà My, cứ chiều có dông sét là mất điện gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, mùa mưa bão có khi mất điện cả tuần vì đường dây kéo từ Tam Kỳ lên hơn 100km, tổn hao điện lớn và thường xuyên mất điện.

Trả lời các ý kiến của các đại biểu, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, Quảng Nam là địa phương có nhiều tiềm năng về thủy điện. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh nhiều năm nay là không mở rộng bổ sung quy hoạch thủy điện mà tập trung làm cho tốt những quy hoạch trước đây.

Tuy nhiên, qua xem xét tính toán, với yêu cầu tập trung phát triển huyện Nam Trà My, một huyện miền núi đang được tỉnh quan tâm tạo điều kiện để phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu cũng như phát triển công nghiệp tại đây, làm cơ sở để lan tỏa, phát triển khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.

Vì thế, tỉnh xem xét để bổ sung vào quy hoach 4 thủy điện công suất dưới 30 MW tại Nam Trà My. Qua đó đảm bảo đưa đường dây 110 Mw qua địa phương này đi vào sử dụng.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, sau khi biểu quyết, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung vào quy hoạch làm cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu có điện lưới 110 MW tại huyện miền núi Nam Trà My.

Công Bính