Quảng cáo trên... phiếu bé ngoan

Không chỉ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, giờ đây, các doanh nghiệp còn tận dụng quảng cáo trên cả…phiếu bé ngoan.

Nếu như trước kia, phiếu bé ngoan chỉ in hình hoa sen giản dị, thì bây giờ phiếu bé ngoan trở nên vô cùng đa dạng, đủ các loại hình thù và logo của các doanh nghiệp.

Chị Xuân (Ba Đình, Hà Nội) vừa đi đón con về hốt hoảng khi thấy cô con gái 2 tuổi đòi ăn mỳ Mikochi để được phiếu bé ngoan. Lúc đầu, chị Xuân chỉ tưởng con gái xem quảng cáo rồi tò mò đòi mẹ mua hoặc thấy các bạn ăn mỳ nên cũng “a dua” theo.

Nhưng khi hỏi con thì chị mới té ngửa vì hóa ra ở lớp cô giáo phát phiếu bé ngoan có quảng cáo mỳ Mikochi nên bé cứ tưởng phải ăn nhiều mỳ thì tuần sau mới được tặng phiếu bé ngoan.

Chị Trang (Ba Đình, Hà Nội) cũng có con học cùng lớp con chị Xuân cho biết, từ hôm nhận được phiếu bé ngoan có quảng cáo mỳ Mikochi, cậu con trai 2 tuổi nhà chị cũng suốt ngày đòi mẹ mua mỳ về ăn sáng với lý do để nhận được phiếu ngoan.

Quảng mỳ Mikochi trên phiếu bé ngoan
Quảng mỳ Mikochi trên phiếu bé ngoan
“Tôi mua bất cứ loại mỳ nào cháu cũng không thích, không ăn, chỉ bắt mẹ mua mỳ Mikochi”, chị Trang nói.

Khi chị Trang hỏi “vì sao con lại nghĩ ăn mỳ mới được phiếu bé ngoan”, thì bé hồn nhiên trả lời: “Vì ăn bim bim Poca thì con mới được hình cầu thủ bóng đá”. Thì ra, bé nghĩ phiếu bé ngoan cũng như một loại hình thường có ở trong các sản phẩm ăn uống để thu hút trẻ con.

Không chỉ quảng cáo mỳ, những tấm phiếu bé ngoan có in hình sách vở rồi tên công ty “truongviet jsc” cũng xuất hiện nhan nhản khiến cho tấm phiếu bé ngoan vô hình chung đã trở thành một công cụ quảng cáo hữu hiệu.

Quảng cáo của truongviet jsc với dòng chữ nhỏ và logo ở góc dưới bên trái 
Quảng cáo của "truongviet jsc" với dòng chữ nhỏ và logo ở góc dưới bên trái 
Chị Mai Anh, một phụ huynh học sinh nhà ở Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây cậu con trai lớn 8 tuổi của chị thường xuyên bắt bố mẹ đi mua dụng cụ ở “trường việt”. Lúc đầu hai vợ chồng chị tưởng con nói lung tung vì anh chị cũng không biết đây là siêu thị sách nào.

Gia đình chị thường mua sách vở hay dụng cụ học tập cho con ở các nhà sách lớn như: Tiền Phong hay nhà sách ở khu vực Đinh Lễ (gần Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vì vậy, khi thấy con nói địa chỉ này hai vợ chồng không quan tâm, tưởng con nói lảm nhảm.

Nhưng sau thấy cháu nằng nặc nói là đến “trường việt” thì hai vợ chồng bắt đầu hỏi han. Thì ra, ở lớp một số bạn có đến công ty Trường Việt để mua thiết bị học tập nên cháu bắt chước.

“Khi chúng tôi nói là không biết công ty ấy thì rất “choáng” khi cháu đưa cho chúng tôi xem 1 tấm phiếu bé ngoan có in tên công ty và logo rất rõ ràng. Lên mạng gõ cụm từ “truongviet jsc” như dòng chữ trên phiếu bé ngoan của con đưa và căn cứ vào biểu tượng logo thì tôi mới tìm ra địa chỉ của công ty này”, chị Mai Anh nói.

Tuy nhiên, điều chị Mai Anh băn khoăn đặt câu hỏi là: “Tôi thật sự không hiểu vì sao, nhà trường lại làm phiếu bé ngoan có tên và logo của doanh nghiệp. Việc làm này đã biến phiếu bé ngoan trở thành một tờ dơi, tờ quảng cáo, rất mất thẩm mỹ?”.
 
Tương tự, chị Ánh, phụ huynh của một học sinh khác cũng than thở: “Từ ngày cho cháu đi lớp đến nay, ngày nào đi học về bé cũng đòi uống sữa ong chúa vì trên phiếu bé ngoan có in hình một chú ong rất xinh xắn.

“Do cháu bị còi xương nên phải uống sữa theo chỉ định của bác sỹ, nhưng do thích sữa ong chúa nên cháu nhất định không chịu uống bất cứ loại sữa nào khác. Tệ hại nhất là cháu luôn nghĩ uống sữa ong chúa mới được phiếu bé ngoan. Cách quảng cáo này của các doanh nghiệp đã vô hình chung khiến giá trị của tấm phiếu bé ngoan bị hiểu lệch lạc đi trong suy nghĩ của trẻ con”, chị Ánh bức xúc nói.

Phiếu bé ngoan vốn là một phần thưởng để động viên các bé luôn chăm ngoan, vâng lời thầy cô, ba mẹ. Nhưng dường như việc bị biến thành công cụ quảng cáo đã khiến cho nhiều bé bị hiểu sai đi mục đích được nhận phần thưởng này.

Điều đáng nói việc quảng cáo trên phiếu bé ngoan dường như lại là một công cụ rất hữu hiệu, vì khi trẻ con đã thích thì gần như bố mẹ nào cũng cố “chiều theo”. Và vì thế, việc quảng cáo trên phiếu bé ngoan quả là một cách làm “khôn khéo”.

Tuy nhiên, xét về góc độ giáo dục thì có lẽ việc để phiếu bé ngoan có thương hiệu của các doanh nghiệp không phải việc làm đúng đắn lắm vì biểu hiện cụ thể nhất là các bé đang hiểu sai về giá trị của tấm phiếu bé ngoan.

Nhiều phụ huynh tự hỏi số tiền mà các nhà giáo dục mầm non nhận được để quảng cáo trên phiếu bé ngoan. Liệu số tiền đó có thể so sánh với chân giá trị giáo dục truyền thống từ xưa đã bị phá vỡ, khiến tấm phiếu ý nghĩa đã trở thành tờ rơi quảng cáo được phát với tốc độ chóng mặt trong các nhà trẻ, mẫu giáo?

PGS - TS Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Xã hội học từng trả lời trên báo chí rằng: “Dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng nó cũng là một khía cạnh để dư luận đánh giá về giáo dục từ gốc rễ. Trẻ con như tờ giấy trắng, các doanh nghiệp muốn đưa “thông điệp” đến phụ huynh cũng không nhất thiết phải qua cách này. Hãy để cho phần thưởng nhỏ bé này ở đúng giá trị và ý nghĩa của nó”.
Theo Châu Anh
VTC