Quảng cáo "chơi dao": Phúc họa khó lường
(Dân trí) - Khi quảng cáo đang trở nên thừa mứa với người tiêu dùng thì đòi hỏi về những ý tưởng càng trở nên khắt khe. Có những ý tưởng tạo hiệu quả tức thì, ngược lại cũng có không ít mẩu quảng cáo khiến "chủ nhân" khốn đốn.
"Cuộc chiến" mỳ gói mới đây nhất giữa 2 "đại gia" thực phẩm Acecook VN và Masan vẫn đang là tâm điểm khi các thông tin trái chiều về phẩm màu thực phẩm E102 đang khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang.
Mới đây nhất, hai cơ quan của Bộ Y tế là Cục ATVSTP (Bộ Y tế) và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm VN (Codex VN) đều khẳng định E102 vẫn có tên trong danh mục phụ gia thực phẩm và an toàn nếu sử dụng ở mức độ cho phép. Song "sức nóng" của mẩu quảng cáo mỳ cộng với những thông tin ngược chiều mà các Hội, cựu quan chức ngành y tế hay các doanh nghiệp đưa ra vẫn khiến không ít NTD hoang mang khi lựa chọn mỳ.
Ngoài nỗi lo lắng của NTD, các DN ngành mỳ cũng không kém phần bức xúc khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) vẫn chưa có động thái nào phân xử cho khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh.
Theo một đại diện của Acecook VN, sau mẩu quảng cáo mà họ cho là "cung cấp nhận thức sai" cho NTD đó, Acecook VN đã phải có nhiều động thái từ khuyến mãi đến yêu cầu các đại lý đưa ra căn cứ nhằm trấn an người tiêu dùng để hạn chế ảnh hưởng doanh số.
Chính Masan, mặc dù chưa có con số thống kê độc lập nào cho thấy tác động của mẩu quảng cáo lùm xùm này tới doanh số bán ra, song cũng bị không ít NTD tuyên bố tẩy chay sau khi phát hiện các sản phẩm mỳ khác của Masan cũng sử dụng E102, phụ gia mà họ cho là "độc hại", điển hình là mỳ Omachi hay Tiến Vua loại ghi không có transfat.
"Điều nguy hiểm nhất chính là quảng cáo của Masan có thể khiến cả ngành mỳ bị ảnh hưởng, và NTD được cung cấp một nhận thức sai. Hiện ở Việt Nam cả Ủy ban Codex và Cục VSATTP đều khẳng định E102 là an toàn, được phép sử dụng trong ngưỡng, do đó không có lý gì một DN đưa ra thông điệp rằng E102 có hại", đại diện Acecook cho biết.
Clip quảng cáo Mama Sữa non (Nguồn: YouTube)
Sau lần "chơi dao đứt tay" này, "Mama sữa non" vẫn loay hoay tìm niềm tin bằng nhiều kênh thông tin nhưng dường như để trở lại với xuất phát điểm cũng là một thách thức lớn khi NTD đã trở nên cảnh giác hơn rất nhiều.
Thành phần chính của "mỳ khoai tây" Omachi vẫn là bột mỳ như mọi loại mỳ khác (và có cả E102, nhưng không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu), nên khiến người tiêu dùng tự hỏi không biết 1% khoai tây trong Omachi có phải là "thánh dược" để giúp loại mì này không gây nóng và không "độc hại"?
Theo nhiều chuyên gia quảng cáo, các mẩu quảng cáo đánh vào tâm lý hoặc nỗi sợ hãi của NTD đang khá "thịnh" ở VN. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng đây là con dao hai lưỡi vì chính các DN lắm lúc phải trả giá cho các mẩu quảng cáo của mình.
Theo ông Trần Tấn Minh, Trưởng phòng Marketing của một DN sản xuất hàng tiêu dùng: "Ngày nay khi NTD ngày càng thông thái và có xu hướng "ngộp thở" với quảng cáo, việc vận dụng lý thuyết cũ để tạo ra các ý tưởng mới mẻ càng trở nên sống còn".
Ông Minh cũng thừa nhận xu hướng quảng cáo đánh vào tâm lý, nỗi lo lắng hay bức xúc của NTD đang được nhiều DN trong nước vận dụng. "Các mẩu quảng cáo đó đều gây hiệu ứng lớn, song xét cho cùng thì cái đích cuối cùng là doanh số sản phẩm, hình ảnh thương hiệu có đạt được hay không vẫn nằm ở chính giá trị của sản phẩm và sự trung thực với NTD", ông Minh đánh giá.
Hồng Kỹ