Chủ tịch HĐQT-TGĐ CT CP Sữa quốc tế Nguyễn Tuấn Khải:

Quản trị không dành cho bông đùa

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP sữa quốc tế (IDP) Nguyễn Tuấn Khải mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng sự lo lắng: “Tình hình kinh tế năm nay rất khó khăn. Xăng dầu tăng giá làm giá vận chuyển tăng 18-19%, giá giấy tăng làm bao bì tăng giá khoảng 20%”.

 Và câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cách làm thế nào để doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn này.
 
Quản trị không dành cho bông đùa - 1


 
Ông Khải nói: Mấy tuần nay, chúng tôi xoay trần bàn cách cải tiến quy trình sản xuất. Đây là cách mà tôi và HĐQT đánh giá là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm chi phí. Trước hết là tiết kiệm điện, giảm tiêu hao nhiên liệu. Trước đây, nguyên liệu về có thể cho vào kho lạnh 8-12 giờ, nhưng nay sản xuất ngay, giảm nhiên liệu sử dụng cho bảo quản, mục tiêu là giảm chi phí nguyên liệu, giảm lãng phí. Đồng thời chúng tôi đang thay đổi quy trình để giảm tỷ lệ sản phẩm phải thải loại, trước cho phép thải loại 0,5-0,6%, nay chỉ cho phép 0,1%, hao phí giấy bao bì trước cho phép 1,35%, nay chỉ cho phép 0,9%. Chúng tôi cũng đang thay đổi vỏ thùng carton, nilon bọc vỏ sữa xuống loại mỏng hơn, vừa giúp giảm chi phí 28% vừa bảo góp phần vệ môi trường.

 

Với một doanh nghiệp doanh thu trên 700 tỷ đồng năm 2010, việc tiết kiệm từ thùng giấy, vỏ nilon có mang lại hiệu quả đáng kể, thưa ông?

 

Trong lúc khó khăn này, với chúng tôi, có hai việc có ý nghĩa sống còn nhất. Thứ nhất,  chất lượng sản phẩm không thể giảm, mà mình phải làm cho ngon hơn, điều này thì hoàn toàn không thể tiết kiệm chí phí. Sữa chua của chúng tôi hiện nay là gần 100% nguyên liệu từ sữa tươi. Thứ hai, lương của người lao động phải lo đủ, để mọi người cùng vượt khó với doanh nghiệp, đợi cơn bão qua đi. Vì thế, những thứ tiết kiệm được, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, chúng tôi tiết kiệm tối đa. Như vỏ nilon bọc vỉ sữa, sử dụng loại mỏng hơn chúng tôi tiết kiệm 70 triệu đồng/tháng, vỏ thùng giấy cũng vài chục triệu/tháng. Như thế, một năm tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng, con số tuyệt đối tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong lúc khó khăn này.

 

Tham gia sáng lập Công ty sữa Hanoimilk, rồi sáng lập Công ty Cổ phần Sữa quốc tế, ông thấy sản xuất sữa có gì đặc biệt so với những loại thực phẩm khác?

 

Độ nhạy cảm của doanh nghiệp sản xuất sữa cao hơn, sức ép xã hội lớn hơn các sản phẩm khác rất nhiều. Đến bây giờ tôi mới thấm thía một điều và đó cũng là điều tôi tâm huyết nhất: với sản xuất thực phẩm, muốn doanh nghiệp tồn tại lâu bền thì  không thể gian dối.  Mặt khác, chúng tôi chủ động đi theo hướng đầu tư cho nông dân nuôi bò sữa, họ trả lại vốn cho tôi bằng sữa nguyên liệu. Mình làm trong ngành nông nghiệp, không thể không gắn bó với nông dân.
 

Là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, con trai út của ông làm Phó TGĐ IDP, chưa kể con gái và con rể ông cũng làm việc ở đây. Hơi hướng công ty gia đình như vậy, với ông thuận lợi hay khó khăn hơn trong việc phát triển doanh nghiệp?

 

Công ty chúng tôi là công ty cổ phần, tất nhiên là có tính chất gia đình trong đó nhưng trong kinh doanh, hoạt động phải là chuyên nghiệp, không thể vì mình có cổ phần cao, mình đem cách hành xử gia đình vào trong đó. Tôi vẫn đánh giá thành công phải có trí tuệ tập thể. Giai đoạn khó khăn như thế này, mọi người đều nhất trí rằng lúc khủng hoảng càng phải đoàn kết. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, khôn ngoan thì sống. Mà “sống” phải mạnh mẽ, chứ sống lay lắt rồi qua khủng hoảng cũng chết. Những lúc thế này, tôi thấy khó nhất vẫn là kiểm soát tình hình tài chính của công ty, thúc đẩy vòng vốn quay nhanh hơn.
 
Hiện giờ, chúng tôi  thực hiện nguyên tắc đẩy nhanh tốc độ lưu thông sản phẩm, có lợi nhuận dù là chút đỉnh, sản phẩm không có lãi sẽ tạm ngừng sản xuất. Vấn đề nội địa hóa nguyên liệu cũng rất quan trọng, nhập khẩu càng ít càng tốt. Như chúng tôi vỏ thùng carton gần như là dùng giấy Việt Trì rồi, sữa nguyên liệu thì 85% từ nông dân.  Nếu mình nội địa hóa nguyên liệu 50-60% thì tốt hơn so với doanh nghiệp phải nhập khẩu 70-80%. Tôi vẫn quan niệm lợi nhuận thì rất lâu, vì lãi luôn phải tích lũy từng chút, nhưng lỗ vốn thì nhanh lắm.

 

Khó khăn bao giờ cũng đi kèm cơ hội, trong lúc này, cơ hội sáng sủa nhất mà ông nhận thấy là gì?

 

Mỗi giai đoạn có khó khăn riêng. Như giai đoạn hiện nay, tuy khó khăn rất lớn  nhưng nếu biết ứng xử khôn ngoan, chúng tôi vẫn tin là có thể vượt qua và tăng trưởng được ngay trong khủng hoảng. Chúng tôi xác định rõ, càng khó khăn, càng đoàn phải kết, mọi người đều phấn đấu vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đây hoàn toàn không phải là lúc có thể bông đùa.

 

Như tôi đã nói, làm ngành này không thể không gắn bó với nông dân. Càng khó khăn, chúng tôi càng phải ra sức củng cố vững chắc thêm mối quan hệ này. Bên cạnh đó, chúng tôi đang hết sức nỗ lực trong việc thiết lập hệ thống bán lẻ sữa. Có tiền, có thể xây dựng nhà máy, nhưng không có hệ thống bán hàng thì chết. Làm được những việc trên, tôi nghĩ, nhiều cơ hội sáng sủa sẽ đến với doanh nghiệp.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm