Quà Tết 10.000 USD thì không thể nào lý giải được

Lệnh cấm biếu quà Tết đối với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mới đây đã dấy lên một niềm tin và kì vọng vào một Chính phủ liêm chính và hành động.

Lệnh cấm biếu quà Tết đối với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mới đây đã dấy lên một niềm tin và kì vọng vào một Chính phủ liêm chính và hành động.

Biếu quà Tết vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến nhưng trên thực tế, đã có những biến tướng tiêu cực trở thành những hành vi hối lộ, tham nhũng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, lắt léo.

Làm thế nào để có thể khắc phục được tình trạng này, làm thế nào để yêu cầu của Thủ tướng được thực hiện nghiêm túc?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet kỳ này mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc trò chuyện về vấn đề trên với Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về việc năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến gần, Thủ tướng các nhiệm kỳ đều đưa ra các chỉ thị về cấm biếu quà Tết, cấm nhận quà Tết?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ rằng Tết là một dịp, một cơ hội rất là tốt để người ta biếu tặng quà mang tính chất vụ lợi ở trong đó. Có lẽ, đó là cơ hội vàng lập lờ giữa việc biếu quà tăng mang ý nghĩa truyền thống văn hóa của dân tộc với cái sự tranh thủ vụ lợi trong việc biếu xén. Và việc này rất khó phân biệt. Chính vì vậy, người ta mới càng lợi dụng, sử dụng cơ hội này để trục lợi cá nhân.

Tiếng là tặng quà Tết đấy nhưng bản chất, lại là một cái hành vi hối lộ. Thành thử ra, như một nhu cầu, năm nào cũng vậy, lãnh đạo cũng ban hành lệnh cấm biếu quà Tết, nhận quà Tết. Rõ ràng, với tình trạng đó, tôi nghĩ các lệnh cấm này là điều cần thiết.

Mặc dù pháp luật của ta đã có quy định quà tặng ở mức bao nhiêu thì quan chức không được nhận nhưng thực tế, việc thực thi vẫn khó khăn. Chính vì vậy, Thủ tướng các nhiệm kỳ đều ban hành các lệnh cấm. Lần này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị hết sức quyết liệt. Tôi nghĩ rằng sự quyết liệt đó là dấu hiệu của một Chính phủ liêm chính và là một sự nêu gương.

Ông phân tích như thế nào về câu chuyện biến tướng hiện nay của việc biếu quà, đậm chất trục lợi hối lộ với những biểu hiện rất lắt léo và tinh vi.

Người dân thì nghĩ rằng, mặc dù chỉ thị của Thủ tướng đưa ra nghiêm như vậy nhưng các cấp lãnh đạo có thể đối phó như quà biếu không đi bằng cửa chính mà đi bằng cửa sau, không đi quan ông thì đi quan bà. Ông nghĩ như thế nào về những hiện tượng như vậy trong đời sống hiện nay?

Chúng ta phân biệt giữa việc tặng quà mang tính văn hoá với việc tặng quà mang tính chất vụ lợi, thì rõ ràng, có thể thấy, ở đâu cấu thành yếu tố vụ lợi thì ở đó, tặng quà không phải là yếu tố truyền thống theo văn hóa nữa.


TS Nguyễn Sỹ Dũng đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng về lệnh cấm biếu quà Tết đối với Thủ tướng

TS Nguyễn Sỹ Dũng đang trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng về lệnh "cấm biếu quà Tết đối với Thủ tướng"

Ví dụ, lương của anh 5 triệu, 6 triệu nhưng anh tặng món quà 10.000 USD thì món quà đó không cách gì lý giải được. Là một lãnh đạo, thấy người ta mang đến tặng một món quà nào đó giá trị quá mức thì ông phải cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy làm đến chức như vậy, người ta vẫn có thể mua được thì mới là không có vụ lợi...

Cơ chế vận hành cho việc biếu quà theo ý nghĩa văn hoá truyền thống , không vụ lợi... chính là sự liêm sỉ, là liêm chính, là đạo đức. Và cơ chế như vậy, tôi nghĩ rằng nó vận hành rất nhiều ở trong xã hội những nước phát triển văn minh. Ở xã hội đó, không ai dám mang một cặp đô - la đến nhà lãnh đạo cả.

Tôi nghĩ rằng, phải đề cao những người liêm chính như vậy, họ phải được đề bạt, phải được trọng dụng. Trước hết, để thúc đẩy một nền đạo đức công vụ như vậy thì người liêm chính phải đề bạt và trọng dụng.

Ông đánh giá như thế nào về thái độ cương quyết từ chối, quà tặng mang tính vụ lợi như vậy ở các cấp lãnh đạo hiện nay? Người dân cũng nghĩ rằng, cấp trên không nhận quà thì cấp dưới không biếu quà.

Nếu lệnh cấm hàng năm vẫn cứ phải ban hành, chứng tỏ, hiện tượng đó có vẻ vẫn chưa được khắc phục, đó là cái khách quan mà mình nhìn thấy được.

Rõ ràng, nếu lãnh đạo không nhận quà thì ai dám tặng? Nếu ai đến tặng quà thì bị nghi ngờ rằng con người này không trong sáng, con người này tìm cách lắt léo để có thể đạt được những lợi ích của mình..., bị nghi ngờ như vậy thì ai dám tặng?

Ở đây có vấn đề về nêu gương và noi gương. Tức là lãnh đạo phải nêu gương, với lệnh cấm đó, trước hết lãnh đạo phải chấp hành nghiêm chỉnh, rõ ràng là sẽ hạn chế được những biến tướng tiêu cực.

Và khi một người mang quà đến, mang phong bì đến mà ông thủ trưởng thấy đỏ tai vì ông ấy ngượng thì lúc đó chúng ta mới chống tệ nạn này triệt để được. Còn nếu chúng ta dùng pháp luật, chỉ có tính răn đe trong khi tính răn đe chỉ có thể đạt được nếu pháp luật đó hiệu năng, còn khi chúng ta quy định và quy định chỉ nằm trên giấy thôi, thì pháp luật thực chất là mất thiêng.

Nhân câu chuyện ông nói đến hiệu năng của pháp luật thì chúng ta cũng nhìn thấy hệ thống luật pháp của ta có những chế tài rất là rõ ràng, chẳng hạn như những hành vi lợi dụng việc biếu quà để hối lộ và nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt rất là nặng.

Tuy nhiên, trong thực tế thời gian vừa rồi, ông có cảm thấy lạ không, khi mà không phát hiện được những trường hợp nào lớn, cụ thể dưới cơ chế giám sát của các cơ quan đoàn thể, của mặt trận và của cả các lực lượng chức năng chuyên về phòng chống tham những?

Tôi chẳng thấy lạ, vì một cơ chế giám sát hiệu năng trong mô hình của chúng ta hiện đang có những khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói là kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin- cho". Nếu còn "xin", còn "cho" thì động cơ vụ lợi, muốn có được lợi ích trong việc tặng quà rõ ràng là vẫn còn.

Và như vậy, khi cái động cơ vụ lợi đó vẫn còn thì việc chúng ta chống biếu quà Tết biến tướng một cách quyết liệt đến đâu thì cũng chỉ là chống ở phần ngọn.

Việc chống ấy chỉ dừng lại ở việc bịt nước rò phía ngoài thùng nước. Còn nếu chúng ta xóa bỏ được cơ chế xin - cho thì chúng ta chống được một cách cơ bản hơn.

Tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất, nếu pháp luật quy định được rõ là không đến nhà tặng quà. Việc đến nhà các lãnh đạo quan chức để tặng quà chỉ là người thân trong gia đình, thế thôi! Còn với các đối tượng còn lại, phải quy định kiên quyết cấm đến nhà tặng quà.

Nếu chúng ta áp đặt được những quy định cụ thể đó thì sẽ giải quyết được biến tướng tặng quà Tết. Tất cả những việc tặng quà Tết mang ý nghĩa văn hóa truyền thống thực sự đối với những người là quan chức, nếu có thì chỉ được phép diễn ra ở cơ quan công quyền, công khai minh bạch.

Xin cảm ơn ông!

Theo VietNamNet