1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Qua giấc mộng tàn, đường hồi phục của ông Lý Xuân Hải

Sau giấc mộng tàn khi sa chân vào vòng lao lý, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải đang tìm lại thời huy hoàng ở một chân trời mới.

Một thời huy hoàng

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965, là nhân vật nổi tiếng trong giới ngân hàng. Ông Hải có trình độ Thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp) và Tiến sĩ Toán - Lý thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus). Ông Hải gia nhập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) năm 1996 trên cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng.

Làm Tổng giám đốc từ 2005, ông Hải đã dẫn dắt ACB lớn mạnh, đạt nhiều thành công, trở thành một trong những NHCP hàng đầu tại Việt Nam. Ông là một trong những trụ cột ở trong ngân hàng này cùng với: Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn.

Thời điểm là Tổng giám đốc ACB, ông nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng khi đưa ACB vươn lên trở thành ngân hàng duy nhất tiệm cận với nhóm ngân hàng quốc doanh. Ông Hải từng được bầu là "Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" 2007 và 2010. Ông Hải sau đó còn trúng cử thành viên HĐQT ACB từ 2008 đến 2012.


​Ông Lý Xuân Hải và những bước thăng trầm

​Ông Lý Xuân Hải và những bước thăng trầm

Không chỉ biết đến với quyền lực ở ACB, Lý Xuân Hải còn là doanh nhân có triết lý sống mạnh mẽ và rõ ràng. Giới kinh doanh còn nể phục ông Hải không chỉ bởi trình độ học vấn rất cao mà còn ở năng lực thực tế.

Ông Hải được coi là người có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn trong ngành ngân hàng. Ông được xem là là người cẩn trọng, kín đáo nhưng lại rất nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi

Tuy nhiên, chính sự thành công vượt trên cả khó khăn chung của hệ thống đã khiến ACB rơi vào dư thừa tiền và đây có lẽ là áp lực dẫn tới bước ngoặt đen tối trong cuộc đời của ông Lý Xuân Hải.

Theo cáo trạng, tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp bàn cách sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư. Giải pháp được ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - đưa ra là, giảm lãi suất huy động để giảm áp lực lỗ trong bối cảnh ACB nhận nhiều tiền tiết kiệm mà bí ở đầu ra.

Khi rất nhiều ngân hàng khác đang đối mặt tình trạng thanh khoản thấp và dưới áp lực của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Hải phải chấp nhận phương án “không được làm giảm tổng tài sản của ACB”.

Điều này cũng có nghĩa là không được giảm lượng tiền huy động. Theo đó, ông Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các ngân hàng khác.

Ông Hải sau đó đã được giao nhiệm vụ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn với tổng số gần 38 ngàn tỷ đồng và hơn 71 triệu USD ủy thác gửi tiền vào 29 TCTD (từ 3/2010-9/2011).

Số tiền hơn 718 tỷ đồng ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank sau đó đã bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Vì thế, ông Hải bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, ông Hải còn bị cáo buộc trong vụ việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên TTCK mà theo cáo trạng gây thiệt hại cho ACB.

Tìm lại chính mình

Trong vụ án liên quan đến bầu Kiên tại ACB, ông Hải đã vướng vòng lao lý vào năm 2012 và ra tù từ đầu tháng 3 năm nay. Giấc mộng trong lĩnh vực ngân hàng của ông Hải đã tàn. Ông bị cấm không được giữ các chức vụ chủ chốt trong lĩnh vực này trong thời gian 5 năm.


​Ông Hải vướng vòng lao lý vào năm 2012 và mới ra tù hồi đầu năm nay

​Ông Hải vướng vòng lao lý vào năm 2012 và mới ra tù hồi đầu năm nay

Tuy nhiên, với một con người tài năng như Lý Xuân Hải, việc bước vào một lĩnh vực mới có lẽ cũng không khó khăn gì.

Theo thông tin mới nhất từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức ( Bầu Đức ), ông Lý Xuân Hải được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Chiến lược của công ty từ ngày 18/12. Đây là một ban trực thuộc HĐQT HAG, có chức năng tham mưu HĐQT trong việc hoạch định triển khai thực hiện đánh giá kết quả thực hiện chiến lược kinh doanh, đầu tư và tài chính của Tập đoàn.

Đồng thời, HĐQT cũng giao ông Lý Xuân Hải trách nhiệm tuyển chọn nhân sự và điều hành hoạt động của ban này, báo cáo trực tiếp cho HĐQT.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch HAGL), việc mời được ông Lý Xuân Hải về làm việc là một "cái bắt tay lịch sử". Đó là kết quả của một hành trình dài chia sẻ và thấu hiểu. Vị trí của ông Lý Xuân Hải vô cùng quan trọng đối với HAGL.

Bầu Đức cũng đã trao đổi về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, chiến lược trong tương lai và nhận được sự đồng cảm từ ông Lý Xuân Hải.

Trước đó, vào hồi tháng 7/2017, Tơ lụa Bảo Lộc (Bao Loc Silk Group - BSG) đã thông qua Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, trong đó chính thức bầu ông Lý Xuân Hải đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Hải cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 27% cổ phần tại công ty này.

Với 2 cương vị mới, ông Hải đang đã trở lại thương trường, không phải là lĩnh vực tài chính ngân hàng sở trường mà là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: nông nghiệp. Cũng giống như trước đây, ông Hải khá kín đáo trong công việc. Tuy nhiên, giới đầu tư dường như đang rất kỳ vọng vào một chiến lược gia mới trong lĩnh vực này.

Cổ phiếu HAG sáng 18/12 tăng gần 5% với khối lượng giao dịch tăng vọt. Cú bắt tay với một “ông bầu” mới là bước đi có thể mang lại một thời kỳ huy hoàng mới cho một doanh nhân hàng đầu trong cộng đồng doanh nhân Việt.

Theo: H. Tú

Vietnamnet

Qua giấc mộng tàn, đường hồi phục của ông Lý Xuân Hải - 3